Châu Âu “đau đầu” tìm cách cân bằng lợi ích với Mỹ và Iran
VOV.VN - Châu Âu đang rơi vào tình thế khá khó khăn, khi vừa phải lựa Mỹ, vừa phải khiến Iran không đổi thái độ trong các cuộc đàm phán thương mại.
Sau một thời gian luôn bày tỏ quan điểm “cứng rắn” không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các nước châu Âu mới đây đã bất ngờ thay đổi thái độ, khi nhất trí cùng Mỹ xem xét lại thỏa thuận này.
Nếu như mới đầu tháng 1 vừa qua, dư luận quốc tế còn thấy những tuyên bố rõ ràng và cứng rắn của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu quyết tâm “không đàm phán lại” và giữ vững thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015. Châu Âu và Iran cũng đã nhiều lần đồng lòng kêu gọi Mỹ tôn trọng thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.
Mới đây nhất ngày 23/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian còn bày tỏ tức giận khi chính quyền Tổng thống Donald Trump gây áp lực lên các đồng minh Châu Âu buộc họ phải sửa đổi lại thỏa thuận hạt nhân Iran để phù hợp với yêu cầu của Mỹ.
Thế nhưng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau chuyến công du châu Âu vừa qua tuyên bố, Mỹ cùng các nước châu Âu đã nhất trí sẽ xem xét lại thỏa thuận này.
Nhìn lại thời gian qua, châu Âu vốn vẫn tự hào và ca ngợi đây là một trong những thành tựu ngoại giao thành công và lớn nhất của khối này trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn giữ vững quan điểm cho rằng, đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử và quyết tâm đàm phán lại, nếu không, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Sự khác biệt và bất đồng sâu sắc đã khiến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và châu Âu thời gian qua trở nên “gần mặt nhưng cách lòng”.
Thực tế, châu Âu đã từng tự tin rằng, tuyên bố là một chuyện nhưng “làm thật” lại là một chuyện khác, ý rằng, Tổng thống Donald Trump dù có đe dọa nhưng sẽ khó có thể rút Mỹ khỏi thỏa thuận Iran.
Thế nhưng sau loạt động thái rút khỏi Hiệp định Paris, Hiệp định TPP rồi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của chính quyền Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu lo sợ một kịch bản tương tự sẽ đến với thỏa thuận hạt nhân Iran mà họ tự hào bấy lâu. “Chiều lòng” Mỹ để tìm kiếm một thỏa thuận mới phù hợp hơn có lẽ là giải pháp khả thi nhất mà EU chọn lúc này.
Không chỉ lo ngại vai trò và tiếng nói bị tổn hại khi thỏa thuận Iran thất bại, châu Âu còn có nhiều lý do khác khi buộc phải thay đổi thái độ. Kể từ tháng 1/2016, sau khi Iran được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, hàng loạt công ty châu Âu đã ký kết các hợp đồng khổng lồ với Iran.
Có thể kể đến như Airbus (25 tỷ bảng), Total (4,8 tỷ USD), Sienmens hay Peugoet… Kim ngạch thương mại Iran - EU cũng đa tăng gấp đôi lên gần 10 tỷ euro nửa đầu năm 2017. Tất nhiên, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mối hợp tác với châu Âu.
Trong bối cảnh, Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều vào Iran, với lượng vốn khổng lồ chảy vào các dự án từ đường sắt tới bệnh viện, châu Âu rõ ràng sẽ càng “chậm chân” trong thị trường mầu mỡ nhiều tiềm năng của khu vực Trung Đông.
Không những thế, chính quyền Tổng thống Mỹ mới đây còn cáo buộc, Liên minh châu Âu đang “rất không công bằng” với Washington trong thương mại song phương, đồng thời cảnh báo đây có thể trở thành một vấn đề lớn. Đây có lẽ lại là một sức ép nữa của Mỹ khiến EU phải điều chỉnh quan điểm trong vấn đề hạt nhân Iran.
Có thể nói, lúc này, châu Âu đang rơi vào tình thế khá khó khăn, khi một mặt phải lựa theo Mỹ, mặt khác phải làm sao khiến Iran không “bực bội” mà quay ngoắt trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Không những thế, các nước Anh, Pháp và Đức cũng đang phải đối mặt với sự chia rẽ trong chính nội bộ chính phủ Mỹ. Trong khi một nhóm muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, còn một nhóm khác lại muốn đẩy trách nhiệm về phía Quốc hội cũng như các nước đồng minh châu Âu.
Về phía Iran, rõ ràng, nước này vẫn đang kiên định và không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán lại nào. Trong động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Iran đã từ chối chuyến công du của Ngoại trưởng Pháp dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới, báo hiệu những mâu thuẫn và căng thẳng mới trong quan hệ hai bên. Những diễn biến này cho thấy, công cuộc “cân bằng lợi ích” của châu Âu với một bên là Mỹ, một bên là Iran sẽ còn rất gập ghềnh thời gian tới đây./.
Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran: Lựa chọn tồi cho nước Mỹ?