Châu Âu - Đông Nam Á “đau đầu” vì nạn nhập cư
VOV.VN - Vấn nạn người nhập cư dường như đang trở thành một thách thức xuyên biên giới mà không riêng nước nào có thể tự mình đứng ra giải quyết được.
Nhiều quốc gia Châu Âu và Đông Nam Á đang chịu chung số phận khi trở thành những điểm đến “bất đắc dĩ” của làn sóng di cư trái phép ồ ạt. Trong khi các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang tranh cãi “nảy lửa” về đề xuất “phân bổ hạn ngạch” người nhập cư bất hợp pháp mới được đưa ra thì một số quốc gia Đông Nam Á cũng đang loay hoay dàn xếp vấn đề tiếp nhận di dân.
Kế hoạch này đã được các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng châu Âu nhất trí tại hội nghị diễn ra cùng ngày ở Brussels. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini bày tỏ kỳ vọng chiến dịch này có thể được khởi động đầy đủ vào tháng 6 tới:
“Tôi muốn nhấn mạnh tới tính cấp bách của vấn đề này, bởi chúng ta biết rõ rằng tháng 6 là khởi điểm của mùa hè và đây là thời điểm hết sức quan trọng. Khi mùa hè tới, sẽ có nhiều người đi du lịch và tôi muốn chiến dịch này được triển khai càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn những kẻ buôn người cũng như các tổ chức buôn người”, bà Mogherini nói.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định: “Ngày hôm nay chúng ta cần một phản ứng đối phó trước các băng đảng tội phạm, cũng như để phá vỡ các mạng lưới buôn người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần thu thập thêm nhiều thông tin tình báo về cách thức tổ chức hoạt động của các mạng lưới buôn người hiện nay, cũng như hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước là xuất phát điểm của những người di cư”.
Trong khi đó, các quan chức Liên minh châu Âu đồng thời nhất trí sẽ tiếp tục tìm kiếm một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, qua đó tạo cơ sở vững chắc cho các nước châu Âu có thể truy lùng những đối tượng buôn người và phá hủy các tàu thuyền của chúng.
Cuộc họp của các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu diễn ra chỉ một tuần sau khi Ủy ban châu Âu công bố đề xuất phân bổ hạn ngạch người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên đề xuất này hiện đang gây nhiều tranh cãi trong các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu.
Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Italy đánh giá cao phản ứng của Liên minh châu Âu là tích cực, thì giới chức một số nước như Anh, Ba Lan, Hungari, Tây Ban Nha lại phản đối kế hoạch này. Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel García Margallo cho biết: “Tôi không nhất trí với tiêu chí do Ủy ban châu Âu vừa đề xuất. Chúng ta cần xem xét tiêu chí này để xác định khả năng của mỗi quốc gia thành viên.”
Vấn nạn người nhập cư giờ đây không chỉ là bài toán “đau đầu” của riêng giới lãnh đạo châu Âu, mà khu vực Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn lớn chưa từng có. Hiện dấy lên mối lo ngại trước một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” tồi tệ về người di cư bị bỏ mặc trên vùng biển Đông Nam Á.
Thách thức lớn đặt ra khi làn sóng di cư trái phép vào một số nước Đông Nam Á ngày càng ồ ạt, trong đó chủ yếu là cộng đồng người thiểu số Rohingya ở Myanmar và Bangladesh, tìm cách vượt biển tới các “miền đất hứa” như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Thực trạng này còn kéo theo những tranh cãi xoay quanh việc giới chức các nước liên quan chỉ cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người di cư và từ chối không cho các thuyền chở dân di cư trái phép cập bờ. Hiện khoảng 8 nghìn người di cư được cho là đang lênh đênh trên biển trong các điều kiện bấp bênh, với những mối nguy hiểm rình rập.
Dễ dàng nhận thấy, đây là một tấn thảm kịch đối với bản thân những người di cư khi họ trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. Xét một khía cạnh khác, đây cũng thách thức về vấn đề nhập cư lớn chưa từng có, là “gánh nặng” trút lên vai những quốc gia là đích đến của dòng người nhập cư trái phép.
Thái Lan vừa đề xuất tổ chức một hội nghị cấp khu vực vào ngày 29/5 tới để tìm giải pháp mang tính toàn diện cho vấn đề mang tính cấp bách này./.