Châu Âu tiếp tục đối mặt với mùa hè nắng nóng
VOV.VN - Hàng loạt các quốc gia châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp… đưa ra cảnh báo nắng nóng trong những tuần gần đây, trong đó nhấn mạnh sự lo ngại về sức khỏe và sinh kế của người dân khi nền nhiệt từng bước phá vỡ những kỷ lục cũ.
Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) ngày 12/7) đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ đối với một số khu vực của nước này. Các tỉnh Cordoba và Jaen ở miền Nam Tây Ban Nha là những địa phương ghi nhận nền nhiệt cao nhất, với nhiệt độ trung bình lên tới 45 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ ở thành phố Murcia (Đông Nam Tây Ban Nha) được dự báo có thể vượt quá 42-44 độ. AEMET dự báo đợt nắng nóng cực độ hiện nay sẽ kéo dài ít nhất cho đến ngày 13/7.
Đây là đợt nắng nóng thứ 2 mà Tây Ban Nha trải qua trong mùa hè năm nay. Đỉnh điểm của đợt nắng nóng này (tính đến thời điểm hiện nay) là mức nhiệt 44,6 độ C ghi nhận chiều 10/7 tại thị trấn Loja, tỉnh Granada, miền Nam Tây Ban Nha.
Nắng nóng cũng khiến cuộc sống của người dân điêu đứng, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời.
Anh Tobias, công nhân làm việc tại một công trường cho biết: “Chúng tôi không thể bảo vệ mình khỏi nắng nóng, chỉ có thể uống nhiều nước hoặc Coca Cola để giữ nước và làm ướt đầu để tránh mất nước”.
Chị Cristina, một người dân Madrid thì cho rằng, người dân cần phải tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng: “Chúng ta cần phải làm quen với thời tiết như vậy. Nó sẽ không thay đổi vì chúng ta chưa có biện pháp nào để thay đổi. Điều tôi có thể làm là chi 1 euro mua nước để đối phó với thời tiết nóng bức”.
Tuần trước cơ quan dự báo thời tiết Đức cũng đưa ra cảnh báo đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay. Theo đó, nhiều địa phương của Đức sẽ đối mặt với đợt “căng thẳng nhiệt” – nhiệt độ dự kiến vượt quá 32 độ C (89,6 độ F) và nhiệt độ ban đêm sẽ chỉ hạ nhiệt ở mức độ hạn chế.
Italy cũng đang quay cuồng khi sóng nhiệt tăng cao. Theo báo cáo, đợt nắng nóng tại miền trung và miền nam Italy có thể tiến gần đến mức kỷ lục 48,8 độ C từng được ghi nhận vào tháng 8/2021.
Một loạt các quốc gia châu Âu cũng đưa ra cảnh báo “hạn hán” do thời tiết nắng nóng. Pháp đã phải phát cảnh báo “khủng hoảng” hạn hán ở 4 khu vực, hạn chế bơm hút nước ở các lĩnh vực không ưu tiên, kể cả nông nghiệp, khi nước này trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1959. Còn tại Bồ Đào Nha, khoảng 90% diện tích nước này đang trải qua tình trạng khô hạn, trong đó 20% hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, gần gấp 5 lần quy mô một năm trước.
Không chỉ riêng châu Âu, thế giới mới đây cũng ghi nhận tuần nắng nóng nhất trong lịch sử. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) (10/7) công bố dữ liệu cho thấy tuần đầu tháng 7 này được ghi nhận là tuần nóng nhất trên toàn cầu, sau những ngày nắng nóng gay gắt đầu tuần với các mức nhiệt phá kỷ lục.
Tháng 6 vừa qua cũng được ghi nhận là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự nóng lên này là do biến đổi khí hậu và El Nino - hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương và theo thời gian, con người sẽ phải quen dần với thực tế nền nhiệt kỷ lục liên tục bị phá vỡ.
Nếu không có các biện pháp hữu hiệu, thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp như cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: “Tình hình mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các biện pháp quan trọng cần thiết, tôi nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào một tình huống thảm khốc”.