Chính phủ Thái Lan phản bác quyết định của Uỷ ban bầu cử
VOV.VN - Thái Lan sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng chính trị không rõ ràng vì Chính phủ tạm quyền chỉ có quyền lực hạn chế.
Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan ngày 12/2 thông báo sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 27/4 tới tại các điểm bầu cử bị người biểu tình chống Chính phủ cản trở trong cuộc Tổng tuyển cử hồi đầu tháng 2/2014.
Như vậy, Thái Lan sẽ còn phải mất hai tháng rưỡi nữa trong tình trạng chính trị tê liệt dưới một chính quyền đang bị hạn chế về quyền lực. Chính vì thế, Chính phủ tạm quyền của Thái Lan đã phản đối quyết định này của Uỷ ban bầu cử.
Chính phủ Thái Lan ngày 12/2 cho biết, Ủy ban bầu cử Trung ương phải hoàn thành việc bỏ phiếu trong vòng 30 ngày (tức cuộc bầu cử phải được hoàn tất ngay từ đầu tháng 3) hoặc phải đối mặt với một tiến trình pháp lý.
Thủ tướng Yingluck tham dự cuộc họp Nội các ngày 11/2 (Ảnh Reuters) |
Ông Peeraphan Palusuk - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ tạm quyền Thái Lan nói: “Nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử là hoàn tất cuộc bầu cử trong vòng 30 ngày kể từ ngày diễn ra bầu cử chính thức là 2/2. Ít nhất Quốc hội sẽ phải được triệu tập phiên họp đầu tiên vào 3/4. Nếu điều này không diễn ra được, tôi cảnh báo Ủy ban bầu cử sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý vì đã không hoạt động theo quy định của hiến pháp và chống lại luật pháp”.
Ông Peeraphan Palusuk cũng cảnh báo, nếu việc hoàn tất tiến trình bầu cử vào cuối tháng 4 theo quyết định của Uỷ ban bầu cử, có nghĩa là Thái Lan sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng chính trị không rõ ràng vì Chính phủ tạm quyền chỉ có quyền lực hạn chế.
Theo ông Peeraphan, đây là một nỗ lực nhằm lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra:“Ở đây đang có một nỗ lực kéo dài tình trạng lộn xộn bằng cách trì hoãn hoàn tất bầu cử, nhằm ngăn cản việc bầu ra Thủ tướng và Nội các mới có đầy đủ quyền lực như luật pháp quy định để điều hành đất nước”.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 2/2 vừa qua nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình chống Chính phủ. Tuy nhiên, những người biểu tình đã cản trở hoạt động bầu cử tại 1/5 số đơn vị bầu cử, có nghĩa là chưa bầu đủ số đại biểu để Quốc hội mới có thể được hình thành và Chính phủ mới cũng chưa thể được thành lập.
Nhiều cơ quan Chính phủ ở Thái Lan đã bị tê liệt hoặc làm việc cầm chừng kể từ khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ nổ ra từ tháng 11/2013 và tình hình tồi tệ hơn sau khi Quốc hội được tuyên bố giải tán từ tháng 12 vừa qua đưa Chính phủ của bà Yingluck trở thành Chính phủ tạm quyền. Như vậy, quyền lực của Chính phủ bị hạn chế trong triển khai các chương trình chính trị và kinh tế vì bị hạn chế chi tiêu.
Theo các nhà phân tích kinh tế, tình trạng bất ổn chính trị đang tác động đến nền kinh tế đất nước, thể hiện qua sự trì trệ trong chi tiêu công. Một Chính phủ tạm quyền như hiện nay không thể thông qua luật ngân sách cho tài khóa mới, sẽ bắt đầu từ tháng 10/2014.
Thông thường, một Chính phủ cần khoảng 5 tháng để được Quốc hội thông qua dự luật ngân sách do mình đề xuất. Do vậy, tình trạng không có Quốc hội, Chính phủ tạm quyền và cuộc tổng tuyển cử vẫn chưa hoàn tất hiện nay đang hạn chế mức chi tiêu của Chính phủ Thái Lan sau tháng 9 tới, từ đó tác động đến nền kinh tế. Điều này làm mất đi những lợi thế địa chính trị mà Thái Lan đang có và làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài./.