Chính phủ từ chức, Libya đứng trước nguy cơ nội chiến
VOV.VN - Diễn biến mới này cho thấy sự bất lực của chính quyền Thủ tướng Abdallah al-Thinni trong việc kiểm soát các cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh.
Trong một thông cáo, chính phủ lâm thời Libya một lần nữa nhấn mạnh, Quốc hội mới được bầu hôm 25/6 là cơ quan lập pháp duy nhất của Libya, đồng thời bày tỏ cơ quan lập pháp này sẽ sớm thành lập được một chính phủ mới đại diện cho tất cả các thành phần dân tộc tại Libya, có khả năng khôi phục an ninh và xây dựng nhà nước pháp quyền.
Chính phủ lâm thời cũng lên án mạnh mẽ mọi ý định muốn thành lập một chính phủ Hồi giáo tại Tripoli. Tuyên bố được xem là nhằm vào thông báo mới đây của Hội đồng dân tộc nhân dân, tức Quốc hội mãn nhiệm Libya chỉ định một nhân vật ủng hộ Hồi giáo đứng ra thành lập chính phủ mới.
Theo chính phủ Libya, đây là hành động của lực lượng nổi dậy muốn chống lại tính hợp pháp của Quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Diễn biến mới này một lần nữa cho thấy sự bất lực của chính quyền trung ương tại Libya trong việc kiểm soát các cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh, trong bối cảnh đất nước đang ngày càng bị chia rẽ sâu sắc.
Trên thực tế, cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua và việc thành lập chính phủ lâm thời sau đó đã không giúp được gì nhiều để ổn định tình hình, mà còn thậm chí làm bùng phát các mâu thuẫn phe phái và đấu đá quyền lực.
Sau khi để mất quyền kiểm soát Quốc hội, phe Hồi giáo đang quyết tâm dùng bạo lực để duy trì vị thế trước các lực lượng tự do và dân tộc chủ nghĩa. Đại sứ Libya tại Liên Hợp Quốc Ibramhim Dabbashi mới đây cũng phải thừa nhận, đất nước đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến.
Những bất ổn chính trị và an ninh không chỉ làm ngưng trệ các nỗ lực tái thiết chỉ vừa mới bắt đầu tại Libya mà còn đe dọa nghiêm trọng lộ trình chuyển tiếp chính trị đó là thành lập chính phủ, soạn thảo hiến pháp và thúc đẩy đối thoại dân tộc.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin hôm qua đã bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng tại Libya khi cho rằng, quốc gia Bắc Phi này đang trong tình trạng “rơi tự do", trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện hỗ trợ đặc biệt cho chính quyền Libya nhằm khôi phục trật tự.
Ông Hollande tuyên bố: “Nếu chúng ta không làm gì cả, tức là không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng, cũng như không có các giải pháp hữu hiệu trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa khủng bố sẽ lan rộng và nhấn chìm toàn bộ khu vực. Vì thế, Pháp kêu gọi Liên hợp quốc phải thể hiện trách nhiệm của mình, thực hiện những hỗ trợ đặc biệt để giúp chính quyền Libya khôi phục quyền lực nhà nước.”
Gần 3 năm sau khi chính quyền của Tổng thống Mouammar Kadhafi sụp đổ, hi vọng về một tiến trình chuyển tiếp dân chủ thành công tại Libya đang ngày càng trở nên xa vời. Đất nước đang bên bờ vực sụp đổ. Sau Bengazi, thành phố lớn thứ 2 Libya và được xem là căn cứ địa của các lực lượng nổi dậy, giờ đến lượt thủ đô Tripoli trở thành trận địa của các phe phái. Theo các nhà phân tích, tất cả mới chỉ là giai đoạn đầu của tấm thảm kịch mà Libya sẽ phải đối mặt trong nhiều năm tới.
Tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là khi các lực lượng thánh chiến và Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy mạnh mẽ tại hàng loạt quốc gia trong khu vực. Và có lẽ giải pháp duy nhất lúc này đó là sự đoàn kết của toàn thể người dân Libya.
Chỉ có người Libya mới có thể giải quyết được tình hình đất nước thông qua việc thúc đẩy đối thoại dân tộc và hướng tới cô lập các lực lượng thánh chiến cực đoan. Chỉ có như thế, Libya mới có thể ổn định được tình hình và tái thiết đất nước./.