Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2019 với quyết định 'đau đớn' để đổi lấy
Chủ nhân Giải Nobel hòa bình 2019, Thủ tướng 43 tuổi của Ethiopia Abiy Ahmed Ali, một ứng cử viên nặng ký nhưng không phải là người được chờ đợi nhất.
Nổi tiếng là dám chấp nhận mạo hiểm để giải quyết những vấn đề khó, đóng góp lớn nhất của ông Abiy Ahmed Ali là đã giúp chấm dứt cuộc chiến giữa Ethiopia và Eritrea, vốn đã kéo dài hơn 20 năm và làm ít nhất 70.000 người của hai phía thiệt mạng sau khi Eritrea giành được độc lập từ chính Ethiopia 5 năm trước đó.
“Nobel hòa bình 2019 được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali vì những nỗ lực của ông trong việc mang lại hòa bình và hợp tác quốc tế, nhất là sáng kiến mang tính quyết định để giải quyết cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea”, Người phát ngôn Ủy ban Nobel Na Uy cho biết.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed - chủ nhân Nobel hòa bình 2019 - Ảnh: AFP |
Tại sao Abiy Ahmed Ali?
Nổi bật nhất là việc ông Abiy Ahmed đã dám đưa ra quyết định "đau đớn", chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài năm 2002, trong đó quyết định vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước lúc đó do Ethiopia nắm giữ thuộc về Eritrea, để đổi lại hòa bình với nước láng giềng đã từng là một nhà.
Trong nước, ngay sau khi nắm quyền từ tháng 4/2018, ông Abiy Ahmed đã đưa ra một loạt biện pháp cải cách táo bạo. Ông đã cho bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, trả tự do cho các nhà hoạt động chính trị và tiến hành các biện pháp hòa giải với các lực lượng đối lập.
Ông cũng cho tiến hành những cải cách thể chế mạnh mẽ, trong đó có việc sa thải các lãnh đạo chính quyền và quân đội bị nghi ngờ tham nhũng. Những cải cách của ông trong lĩnh vực bình đẳng giới với việc bổ nhiệm nội các mới, trong đó có một nửa là phụ nữ, và lần đầu tiên Ethiopia có chánh án tòa án tối cao là nữ cũng được Ủy ban Nobel đặc biệt ghi nhận.
Hoặc như việc ông phát động chiến dịch "Di sản xanh", với mục tiêu trồng hàng triệu cây xanh ở Ethiopia để đối phó với biến đổi khí hậu. Theo công bố của Ethiopia, trong vòng một ngày phát động chiến dịch trong tháng 7 vừa qua, đã có hơn 353 triệu cây xanh được trồng ở Ethiopia, một con số được cho là kỷ lục thế giới.
Ethiopia mặc dù vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất nhưng đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong những năm gần đây. Mặc dù không phải là người khởi động tiến trình này nhưng những cải cách của ông Abiy Ahmed trong lĩnh vực kinh tế cũng được ca ngợi, nhất là việc mở cửa các lĩnh vực truyền thông, điện lực và hàng không...
Trên bình diện quốc tế, ông Abiy Ahmed cũng cho thấy ảnh hưởng của mình. Vị thủ tướng mới 43 tuổi của Ethiopia đã giúp làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở nước láng giềng Sudan, sau cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến việc bắt giữ nhà lãnh đạo Omar Al-Bashir đã nắm quyền ở Sudan trong gần 30 năm.
Ông Abiy Ahmed còn đóng góp cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng Eritrea và Djibouti, cũng như những nỗ lực làm trung gian giữa Kenya và Somalia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển.
Một lựa chọn nghiêm túc
Như nhiều lần trước đó, việc trao giải Nobel hòa bình 2019 cho ông Abiy Ahmed cũng đã gây tranh cãi và không ít người sẽ không đồng tình với sự lựa chọn của các thành viên Ủy ban Nobel. Nhưng quyết định này của Ủy ban Nobel được cho là một quyết định "nghiêm túc".
Một số người lo ngại việc trao giải Nobel cho ông Abiy Ahmed còn quá sớm khi chưa rõ kết quả các biện pháp cải cách của ông và thậm chí còn ảnh hưởng đến việc tiếp tục triển khai những biện pháp cải cách này. Thậm chí phe đối lập còn cho rằng những biện pháp cải cách của ông nhằm đáp ứng những đòi hỏi của phương Tây.
Lường trước được quyết định lựa chọn ông Abiy Ahmed sẽ gây tranh cãi, trong tuyên bố của mình, Ủy ban Nobel cũng thừa nhận "một số người sẽ cho rằng giải thưởng này được trao cho ông Abiy Ahmed quá sớm". Và ủy ban cũng giải thích những nỗ lực của ông Abiy Ahmed cho đến nay "đáng được công nhận và cần được khích lệ", việc trao giải thưởng này sẽ giúp ông tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực cho "hòa bình và hòa giải".
Và quyết định này được nhiều nhà lãnh đạo các nước ủng hộ, thể hiện trong các thông điệp chúc mừng của các lãnh đạo thế giới gửi đến ông Abiy Ahmed. Những thách thức đối với ông Abiy Ahmed còn đó nhưng trong lúc nhiều nước châu Phi vẫn còn chìm đắm trong xung đột và đói nghèo, Ethiopia là một điểm sáng hiếm hoi và những gì ông Abiy Ahmed làm được là đáng ghi nhận./.
Chiến thắng bất ngờ
Càng gần đến ngày công bố giải thưởng, cái tên được nhắc nhiều nhất cho giải Nobel hòa bình năm 2019 là nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển nổi tiếng Greta Thunberg, nhất là sau khi cô gái 16 tuổi này đã giành được các giải thưởng danh giá như Right Livelihood - được coi là "giải thưởng thay thế giải Nobel".
Với 301 ứng cử viên được đề cử lần này, trong đó có 223 cá nhân và 78 tổ chức - con số cao thứ tư trong lịch sử và theo quy định, tên của những ứng cử viên được giữ bí mật (chỉ được công bố sau 50 năm). Việc dự đoán người thắng cuộc từ trước đến nay luôn là một thách thức và không ít lần những ứng cử viên được chờ đợi nhất không phải là người thắng cuộc.