Chủ tịch Trung Quốc đến Mỹ, sẵn sàng cuộc gặp khó khăn với ông Trump
VOV.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt tại Mỹ, sẵn sàng cho cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump.
Theo Telegraph, ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đón tại sân bay Palm Beach, Florida và tiến hành duyệt đội danh dự tại đây. Dự kiến trong tối nay (7/4) ông Tập Cận Bình và phu nhân sẽ dự tiệc chiêu đãi của ông Trump tại dinh thự nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Ông Tillerson (trái) đón ông Tập Cận Bình (phải) ở sân bay Palm Beach, Florida và cùng ông Tập Cận Bình thực hiện nghi thức duyệt đội danh dự. Ảnh: AFP
Phát biểu với báo giới trên đường đến Florida, ông Trump nhấn mạnh, hai vấn đề chính trong cuộc gặp giữa ông và ông Tập Cận Bình sẽ là về chương trình hạt nhân Triều Tiên và thương mại Mỹ-Trung.
“Chúng ta đã bị đối xử một cách không công bằng và đã ký kết những thỏa thuận thương mại hết sức tồi tệ với Trung Quốc trong rất nhiều năm qua. Đây sẽ là vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần bàn đến. Vấn đề còn lại dĩ nhiên là về Triều Tiên”, ông Trump tuyên bố.
Trước đó, Triều Tiên đã vừa tiến hành một vụ phóng thử tên lửa mới nhất về phía biển Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng đưa ra lời đe dọa sẽ “tung ra một đòn tấn công tàn nhẫn nhất” nếu nhận thấy “một hành động khiêu khích dù là nhỏ nhất của Mỹ”.
Tuyên bố trên của phía Triều Tiên được đưa ra sau khi ông Trump trấn an Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng, Mỹ đã “cân nhắc mọi biện pháp”- bao gồm cả quân sự, để đối phó với Triều Tiên.
Cuộc gặp nguyên thủ Mỹ-Trung: Nguy cơ va chạm giữa 2 cá tính đối lập
Trung Quốc vừa cảnh báo, vừa mời gọi ông Trump
Trong khi đó, Tân Hoa xã đăng tải một bài bình luận liên quan đến chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, trong đó cảnh báo các công ty Mỹ sẽ chịu tổn thất tồi tệ nhất nếu ông Trump dám khơi mào cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Tân Hoa xã cũng cảnh báo ông Trump- người hồi năm 2016 từng đe dọa sẽ áp đặt mức thuế lên đến 45% lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc- rằng ông không nên “chặn đứng” quan hệ giao thương với Trung Quốc”.
“Dù chẳng bên nào muốn hy sinh mối quan hệ hợp tác với đối tác của mình, nhưng nếu chiến tranh thương mại nổ ra, các công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất”, Tân Hoa xã nêu rõ.
Tuy nhiên, Tân Hoa xã cũng không quên nêu bật mối quan hệ nồng ấm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với lời khẳng định rằng, những đồn đoán kiểu như quan hệ Mỹ-Trung có thể “vượt tầm kiểm soát” dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ không thể xảy ra.
Tân Hoa xã cũng đã thuê trọn vẹn một trang quảng cáo của tờ New York Times để mô tả về cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình như là “một dấu mốc quan trọng trong quan hệ 2 nước cũng như đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương và trên toàn cầu”.
Cũng theo Tân Hoa xã, thay vì tập trung quá nhiều vào việc giải quyết “những vấn đề lặt vặt gây trở ngại cho quan hệ hai nước”, ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump cần tập trung giải quyết “những câu hỏi mang tính chiến lược có thể giúp xây dựng mối quan hệ song phương”.
Trump nhử “củ cà rốt” với Trung Quốc để đánh đổi “hồ sơ” Triều Tiên
Giới chức Mỹ có lý do để thận trọng
Trong khi đó, từ trước đến nay Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc là thao túng đồng nội tệ, quân sự hóa ở Biển Đông cũng như không làm gì nhiều để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong vài tuần vừa qua, bản thân ông Trump đã hạ giọng đi nhiều, và giới chức Mỹ và Trung Quốc cũng đã khẳng định, cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình mở ra cơ hội để hai bên thảo luận về những khác biệt hiện nay nhưng chưa hẳn đã là tìm ra giải pháp cho những khác biệt đó.
Ông Orville Schell, người đứng đầu Trung tâm Quan hệ Mỹ Trung tại Viện nghiên cứu Xã hội châu Á có trụ sở tại New York nhận định, ông không mấy tin rằng, ông Trump sẽ đón tiếp ông Tập Cận Bình “như một vị chủ nhà hiếu khách”.
“Ông Trump có cơ hội để xây dựng một mối quan hệ tích cực với ông Tập Cận Bình trước khi ông ấy “khuấy động” mọi thứ bởi ngay khi ông ấy đề cập với Trung Quốc về việc thiết lập hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Biển Đông hay bất kỳ vấn đề gì khác thì mọi chuyện sẽ rất căng thẳng”, ông Orville Schell nói.
Tuy nhiên, ông Paul Haenle, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng là cố vấn cho cả 2 đời Tổng thống Mỹ là George W Bush và Barack Obama về Trung Quốc, lại cho rằng, ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách ổn định lại quan hệ Mỹ-Trung bằng cách đưa ra “một danh sách dài” những ưu tiên về kinh tế nhằm gửi đến ông Trump một thông điệp rằng: “Chúng tôi luôn lắng nghe ông”./.