Việt Nam phấn đấu có tên trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á 2020
VOV.VN - Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, có 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II; 1-2 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Ngày 11/4/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị “Triển khai chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, chiến lược xác định mục tiêu hiện đại hóa NHNN theo hướng có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính.
Hệ thống các TCTD sẽ phát triển theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình,… hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, tiến tới tài chính toàn diện năm 2030.
Mục tiêu của Chiến lược là nhằm tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đồng thời, sẽ giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.
Chiến lược cũng đặt ra hướng phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn.
Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2020, ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất từ 1-2 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên 12-13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM trên thị trường chứng khoán Việt Nam; nâng mức vốn pháp định đối với quỹ tín dụng nhân dân.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.
Phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Để triển khai thực hiện tốt và đạt được các mục tiêu đề ra tại Chiến lược, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị vụ/cục trong NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược; Xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược cụ thể tại đơn vị theo các mục tiêu, giải pháp đã đề ra và đảm bảo đúng lộ trình.
Chủ động, sáng tạo triển khai hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược; phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với đơn vị đầu mối; đối với những nhiệm vụ cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị.
Thường xuyên tự đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra; thực hiện tốt chế độ báo cáo theo yêu cầu của Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược để phục vụ tốt cho công tác giám sát thực hiện Chiến lược./.
Phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025