Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nhật Bản sau gần 40 năm
(VOV) - Nhật hiện là chủ nợ lớn nhất của Myanmar và Nhật muốn sử dụng nước này làm bàn đạp tiến ra thị trường rộng lớn hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 24/5 bắt đầu chuyến thăm chính thức ba ngày tới Myanmar. Ông Abe là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thăm Myanmar kể từ năm 1977.
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh có những bước đột phá mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Myanmar gần đây, cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế lớn cũng như vị trí địa chính trị quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này.
Tháp tùng Thủ tướng Abe trong chuyến thăm này là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của hơn 30 công ty Nhật Bản. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng trong chuyến thăm Myanmar 3 ngày của ông Abe là thắt chặt và mở rộng quan hệ ngoại giao - thương mại giữa 2 nước có truyền thống hợp tác lâu năm.
Vợ chồng Thủ tướng Abe lên máy bay để bay sang Myanmar (ảnh: Kyodo) |
Theo chuyên gia phân tích Vuthichai Tumasaroj tại Myanmar, với nguồn tài nguyên dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn và vị trí độc đáo trên bản đồ địa chính trị châu Á, Myanmar là địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
“Nhật Bản hiện là chủ nợ lớn nhất của Myanmar do đó Nhật Bản cần phải có các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Myanmarm”, nhà phân tích Tumasaroj nói. “Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang muốn sử dụng quốc gia đông Nam Á này như một bàn đạp để tiến ra những thị trường rộng lớn của khu vực”.
Tăng cường ảnh hưởng tại quốc gia có vị trí chiến lược
Dự kiến trong chuyến thăm 3 ngày này, Thủ tướng Abe sẽ thông báo xóa nợ cho Myanmar, công bố gói viện trợ trị giá 980 triệu USD cùng các kế hoạch cơ bản để giúp Myanmar phát triển cơ sở hạ tầng điện lực. Phát biểu với báo giới trước khi tới Myanmar, Thủ tướng Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tiến trình cải cách của Myanmar thông qua việc trợ giúp cả lĩnh vực công và tư của nước này.
Giới phân tích nhận định, bên cạnh việc ủng hộ những cải cách tại Myanmar, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản lần này cũng có một mối quan tâm khác đó là gia tăng tầm ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa chính trị quan trọng này trước những nước lớn khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ.
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đang có nhiều cải thiện. Mỹ coi mối quan hệ hợp tác với Myanmar là một phần trong trọng tâm chuyển dịch về châu Á của mình.
Là một đồng minh của Mỹ, Nhật Bản cũng đang thực hiện kế hoạch tương tự. Thêm nữa, việc tập trung vào sự phát triển hợp tác kinh tế với các nước châu Á cũng được coi là một phần trong kế hoạch đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế hiện nay và Myanmar với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí chiến lược sẽ là một đối tác đầy triển vọng./.