Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Myanmar tới Mỹ:

Mỹ - Trung Quốc và Myanmar

(VOV) - Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia bình luận về vấn đề quốc tế trả lời phỏng vấn VOV online về vấn đề này.

Tổng thống Myanmar Thein Sein vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ (từ ngày 20 - 21/5/2013). Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của một Tổng thống Myanmar trong vòng 50 năm trở lại đây. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Thein Sein đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa của Myanmar, việc thực hiện hiệu quả các nguồn viện trợ của Mỹ. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư.

Tổng thống Myanmar Thein Sein và Tổng thống Barack Obama. (ảnh: AFP)

Nhân dịp này, phóng viên VOV online đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự, Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng), chuyên gia bình luận về vấn đề quốc tế. 

Myanmar có vị trí và vai trò quan trọng đối với “chiến lược xoay trục” của Mỹ tại châu Á
 
PV: Ông đánh giá như thế nào về mục đích cũng như kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Myanmar?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Mặc dù đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của Tổng thống Myanmar Thein Sein, nhưng lại lần thứ hai ông Thein Sein tới thăm Mỹ.

Tháng 9/2012, Tổng thống Myanmar Thein Sein cũng đã từng tới thăm Mỹ nhân dịp tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và cũng đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp thân mật. Cùng vào dịp đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp thân mật bà Aung San Suu Kyi, Thủ lĩnh phe đối lập ở Myanmar.

Trong hai cuộc tiếp đó, phía Mỹ giành ưu ái đặc biệt cho Thủ lĩnh phe đối lập ở Myanmar. Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Myanmar Thein Sein lần này có nhiều ý nghĩa, trước hết là để đáp lễ chuyến thăm Myanmar của Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối năm 2012 ngay sau khi nhậm chức. Đồng thời để hai bên khẳng định những kết quả đạt được trong tiến trình hướng tới dân chủ của Myanmar cũng như quyết tâm của Mỹ ủng hộ quá trình cải cách ở Myanmar. Đây cũng là dịp Mỹ khẳng định Myanmar có vị trí và vai trò quan trọng đối với “chiến lược xoay trục” của Mỹ sang châu Á, còn Tổng thống Myanmar Thein Sein muốn khẳng định quyết tâm làm tốt vai trò đó.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, ông Zaw Htay, Chánh văn phòng Tổng thống Thein Sein nói rằng, việc người đứng đầu nhà nước Myanmar được mời tới Nhà Trắng thể hiện sự tán thành của Washington đối với tiến trình cải cách chính trị của Myanmar.

Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Myanmar Thein Sein được đánh giá là “có ý nghĩa lịch sử” nhưng lại chưa tạo ra sự chuyển biến mang tính lịch sử trong quan hệ giữa hai nước, do hiện nay, Myanmar vẫn đang ở trong thế giằng co trong cuộc chiến về địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Điểm giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ

PV: Theo ông, sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thein Sein, hai nước sẽ có những bước đi đột phá nào không. Và đối với các nước lớn, Myanmar có tầm quan trọng như thế nào?


Đại tá Lê Thế Mẫu: Tôi cho rằng, sau chuyến thăm Mỹ lần  này của Tổng thống Myanmar Thein Sein, quan hệ hai nước cũng như quan hệ giữa Myanmar với các nước Phương Tây sẽ tiếp tục được cải thiện. Myanmar sẽ thực hiện nhiều biện pháp hướng tới cải cách dân chủ hơn nữa, còn Mỹ và các nước khác sẽ tiếp tục đầu tư và viện trợ kinh tế cho Myanmar.

Tuy nhiên, trong tương lai trước mắt, quan hệ giữa hai nước sẽ chưa thể có tiến triển đột phá, chừng nào Myanmar vẫn nằm trong sự quan tâm của cả Trung Quốc. Với tầm quan trọng của vị thế địa-chính trị của Myanmar trong chiến lược của các nước lớn ở châu Á, từ lâu Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng quan hệ gắn bó với Myanmar vì Bắc Kinh có nhiều lợi ích chiến lược tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo “chiến lược chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc- thuật ngữ của các chuyên gia nghiên cứu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ở Washington, Trung Quốc đề ra kế hoạch bảo vệ các tuyến giao thông vận tải đường biển kéo dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, đi qua eo biển Malacca, qua Biển Đông tới các tỉnh ven biển của Trung Quốc. Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu chiến lược ở Mỹ, “chiến lược chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc là thách thức trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Với tư duy ẩn chứa trong “chiến lược chuỗi ngọc trai", Trung Quốc đã và sẽ xây dựng mạng lưới rộng khắp bao gồm các căn cứ quân sự và không quân hoặc các hải cảng ở các nước thân thiết, kéo dài từ đảo Hải Nam của Trung Quốc trên Biển Đông đến cảng Gwadar của Pakistan ở Ấn Độ Dương để bảo đảm an ninh cho các hoạt động chuyên chở liên tục, nhằm cung cấp dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ và hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, Myanmar nổi lên vai trò của một quốc gia có vị thế địa-chiến lược quan trọng. Một khi củng cố được vị thế và ảnh hưởng ở Myanmar, Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận tới eo biển Malacca là một trong những tuyến vận tải đường biển có ý nghĩa quan trọng nhất về mặt chiến lược. Vì thế, Trung Quốc đã thiết lập và tiếp tục duy trì mối quan hệ gần gũi, gắn bó với Myanmar.

Tháng 5/2011, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Myanmar Thein Sein tới Trung Quốc, hai bên đã thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện.

Thời gian qua, Trung Quốc chủ động và tích cực phát triển hợp tác quân sự với Myanmar, tiến hành hiện đại hoá các căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Myanmar, xây dựng tại đây các trạm hải quân để bảo đảm an ninh cho nước chủ nhà và là láng giềng phía nam của Trung Quốc. Như, Trung Quốc đang xây dựng các trạm rađa, các trạm sửa chữa và tiếp dầu ven biển Myanmar để bảo đảm kỹ thuật cho các tàu nổi và tàu ngầm của Trung Quốc khi đi qua vùng biển Myanmar. Trên đảo Coco thuộc quần đảo Seychelles, các chuyên gia Trung Quốc đã xây dựng một trạm rađa để theo dõi các tàu thuyền đi qua eo biển Malacca và các cuộc diễn tập hải quân trên vùng biển này.

Là đối tác thương mại chủ yếu của Myanmar, với khối lượng trao đổi hàng hoá giữa hai nước khoảng 5,2-5,3 tỉ USD hàng năm, Trung Quốc đã đầu tư những khoản tiền lớn vào nền kinh tế của Myanmar với tổng khối lượng đầu tư đã lên tới 15,9 tỉ USD. Trung Quốc còn tham gia thực hiện các đề án hạ tầng cơ sở lớn ở Myanmar, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Bắt đầu từ năm 2004, các hãng và công ty Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường năng lượng của Myanmar. Trong năm 2007, Trung Quốc đã ký một hợp đồng lớn để khai thác khí thiên nhiên trên thềm lục địa của Myanmar.

Tháng 3/2009, giữa hai nước đã ký thoả thuận về việc xây dựng tuyến đường ống với tổng giá trị 2,5 tỉ USD. Trong đó, có đường ống dẫn dầu mỏ có chiều dài 2.380 km và đường ống dẫn khí đốt dài 2.806 km, khởi đầu từ thành phố Kyaukpyu của Myanmar và vươn tới các tỉnh tây-nam của Trung Quốc.

Các chuyên gia hoạch định chiến lược toàn cầu của Mỹ cho rằng, để lập lại thế cân bằng địa-chính trị với Trung Quốc, Mỹ không thể chậm chân hơn nữa và nhận thấy cần tận dụng tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar để phát triển và củng cố ảnh hưởng tại đây. Theo chủ trương đó, năm 2011, bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã có chuyến thăm Myanmar. Tại Myanmar, bà tuyên bố về một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước. Tiếp sau chuyến thăm này là chuyến thăm Myanmar của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Diễn ra đồng thời với các chuyến thăm đó là Mỹ, EU và nhiều nước phương Tây khác tuyên bố giỡ bỏ hàng loạt biện pháp cấm vận đối với Myanmar.

PV: Tình hình chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á có tác động như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Theo tôi, quan hệ 3 bên trong tam giác Mỹ-Myanmar-Trung Quốc cũng tương tự như trong quan hệ Mỹ-ASEAN-Trung Quốc.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang muốn tranh thủ, lôi kéo các nước Đông Nam Á đi theo ảnh hưởng của họ. Biểu hiện rõ nhất là trong diễn biến đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP (không có Trung Quốc) và Hiệp định hợp tác toàn khu vực giữa ASEAN với 6 nước đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand (không có Mỹ). Một bên không có Trung Quốc, còn bên kia không có Mỹ, đã nói lên nhiều điều.

Cũng cần nói thêm rằng, Myanmar có vị thế đặc biệt quan trọng trong chiến lược địa-chính trị của Mỹ cũng như Trung Quốc, nối liền vành đai chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Là một quốc gia ở Đông Nam Á, Myanmar nằm ở tây bắc bán đảo Trung-Ấn. Myanmar có 5.876 km đường biên giới với Trung Quốc (2.185 km), Thái Lan (1.800 km), Ấn Độ (1.463 km), Lào (235 km) và Bangladesh (193 km). Đường bờ biển dài 1.930 km. Diện tích 676.577 km². Một chi tiết về địa lý rất đáng chú ý là, Myanmar là quốc gia nằm ven bờ Ấn Độ Dương.

Theo tính toán của các chuyên gia, Ấn Độ Dương chiếm tới 50% tổng khối lượng vận tải đường biển bằng container và 70% khối lượng chuyển tải sản phẩm dầu mỏ. Ấn Độ Dương cũng là khu vực chịu sự rủi ro đặc biệt cao và là nơi tập trung phần lớn trong số 11 khu vực được coi là huyết mạch giao thông đường biển và là yết hầu kinh tế của nhiều nước. Nền kinh tế của nhiều nước rất dễ bị tổn thương một khi các tuyến giao thông vận tải chuyên chở dầu mỏ đi qua nhưng nơi đó bị đóng cửa. Trong khi đó, Myanmar lại là quốc gia ven biển Ấn Độ Dương, có vị trí rất thuận lợi cho các tàu thuyền qua lại trên đại dương này neo đậu để tiếp thêm nhiên liệu và bảo hành kỹ thuật. 

Myanmar chiếm vị trí thứ 10 trên thế giới về trữ lượng khí đốt thiên nhiên, ước tính 2.500 tỉ m3, trong đó có khoảng 510 tỉ m3 đã được khẳng định. Khối lượng dầu mỏ tiềm năng của Myanmar vào khoảng 3,2 tỉ thùng. Myanmar còn là một trong những khu vực lớn nhất thế giới khai thác đá quý, vàng, nguyên tố hiếm, ngọc trai..

Do vị thế địa-chính trị quan trọng của Myanmar, nên trong thời gian gần đây các nước lớn ở trong và ngoài khu vực rất quan tâm tới chuyện thiết lập quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự lâu dài với quốc gia này. Ai có được ảnh hưởng và vị thế ở Myanmar, người đó sẽ có ảnh hưởng lớn trong cục diện địa-chính trị ở liên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mà Myanmar là một thành viên của ASEAN nên mọi động thái ở Myanmar đều có tác động tới các nước Đông Nam Á.

PV: Liệu các nước châu Âu và Phương Tây có tiếp tục mở rộng hợp tác với Myanmar hay không?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Theo tôi, Mỹ và các nước Phương Tây sẽ tiếp tục hành động trên hai hướng. Một là, tiếp tục mở rộng hợp tác với Myanmar. Hai là, thông qua hợp tác kinh tế sẽ thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị ở Myanmar theo hướng dân chủ, đáp ứng lợi ích mà Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của họ mong đợi.

Xin cảm ơn Đại tá!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Myanmar tới Mỹ
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Myanmar tới Mỹ

(VOV) - Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Myanmar tới Mỹ trong 47 năm qua.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Myanmar tới Mỹ

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Myanmar tới Mỹ

(VOV) - Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Myanmar tới Mỹ trong 47 năm qua.

Tổng thống Myanmar thăm Mỹ
Tổng thống Myanmar thăm Mỹ

(VOV) - Chuyến thăm sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước.

Tổng thống Myanmar thăm Mỹ

Tổng thống Myanmar thăm Mỹ

(VOV) - Chuyến thăm sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước.

Tổng thống Myanmar bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Mỹ
Tổng thống Myanmar bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Mỹ

Tổng thống Thein Sein sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 20/5.

Tổng thống Myanmar bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Mỹ

Tổng thống Myanmar bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Mỹ

Tổng thống Thein Sein sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 20/5.