CIA bí mật hậu thuẫn Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS?
Đây là mối nghi ngờ của không chỉ người dân Iraq mà cả một số quan chức và các giáo sỹ nước này.
Mặc dù Mỹ đã tiến hành không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) hơn một tháng nay, nhưng điều này vẫn không ngăn lời bàn tán ngày càng lan rộng trên khắp Iraq rằng CIA bí mật đứng sau tổ chức cực đoan này.
“Chúng tôi biết ai đã tạo ra Daesh”, tờ New York Times ngày 20/9 dẫn lời Phó Thủ tướng Iraq Bahaa al-Araji, dùng tên tắt tiếng Arab của IS cho biết.
Khi một phóng viên Mỹ yêu cầu ông cho biết có phải ông muốn nói CIA tạo ra IS, Phó Thủ tướng Iraq trả lời: “Tôi không biết. Chúng tôi rất hoảng sợ”, New York Times thuật lại.
Phát biểu nói trên của ông Araji được xem như là một sự hưởng ứng cho các cuộc biểu tình phản đối khả năng Mỹ triển khai quân đến Iraq do giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moktada al-Sadr kêu gọi.
Ông Sadr từng công khai cho rằng CIA đã tạo ra IS trong một bài diễn thuyến tại một cuộc biểu tình hồi tuần trước và các cuộc phỏng vấn gần đây cho thấy phần đông trong số vài ngàn người tham gia biểu tình, bao gồm cả các thành viên Quốc hội Iraq, cũng có cùng nhận định như vậy, theo New York Times.
Cuộc biểu tình diễn ra ngày 20/9 là động thái mới nhất trong hàng loạt hành động cảnh báo Mỹ chớ nên gửi quân trở lại Iraq của các lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite.
IS đã chiếm được rất nhiều tỉnh có nhiều người Hồi giáo Sunni sinh sống tại vùng đông bắc Iraq chủ yếu là nhờ sự bất mãn với chính quyền toàn người Shitte của cựu Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki của cư dân địa phương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cam kết sẽ không gửi binh đến Iraq, nhưng cam kết này dường như chỉ thuyết phục được một số ít người Iraq.
“Chúng tôi không tin ông ta”, New York Times dẫn lời Raad Hatem, 40 tuổi, một người dân Iraq, cho hay.
Một người Iraq khác là ông Haidar al-Assadi, 40 tuổi, đồng ý với điều này. “IS rõ ràng là một sản phẩm của Mỹ và hiện Mỹ đang dùng IS làm cái cớ để can thiệp vào Iraq một lần nữa”, ông này nói.
Nhiều người tham gia các cuộc biểu tình tại Baghdad cho biết họ hoan nghênh các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào IS, chứ không chào đón binh sỹ Mỹ.
Đã có đến 30 Nghị sỹ trong tổng số 328 Nghị sỹ Quốc hội Iraq tham gia các cuộc biểu tình do giáo sỹ Sadr phát động.
Nhiều người ủng hộ ông Sadr đã chỉ trích cựu Thủ tướng Iraq Maliki vì phạm nhiều sai lầm, chẳng hạn như thất bại trong việc thành lập một đội quân đáng tin cậy.
“Chúng ta từng có một đội quân giỏi, vậy giờ họ ở đâu rồi. Ông Maliki cho họ mọi thứ, nhưng họ vẫn rời bỏ chiến trường”, New York Times dẫn lời anh Waleed al-Hasnawi, 35 tuổi.
Anh Omar al-Jabouri, 31 tuổi, một tín đồ Hồi giáo dòng Sunni tại Baghdad, người cũng đã tham gia biểu tình, cho biết cựu Thủ tướng Maliki đã xa lánh toàn bộ người dân Iraq, bất kể họ là Sunni hay Shiite.
“Ông ta không chỉ xa lánh và cách ly người Sunni, mà còn phớt lờ cả người Shiite. Ông ta chỉ giúp gia đình, bạn bè và những người thân cận với mình. Ông ta đã không thực sự giúp người Shiite như nhiều người vẫn tưởng”, anh Jabouri chỉ trích.
Nhưng đối với IS thì là một câu chuyện khác, “Ai cũng thấy rõ IS là một sản phẩm của Mỹ và Israel”, theo anh Jabouri.