COP29 bước vào ngày họp cuối: Tài chính khí hậu - bài toán chưa có lời giải
VOV.VN - Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đang dần tiến tới những giờ đàm phán cuối cùng. Tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề lớn nhất và cũng là khó nhất của các hội nghị COP, đó chính là tài chính khí hậu.
Dự thảo tuyên bố chung của COP29, công bố hôm qua (21/11) không đưa ra bất kỳ con số cụ thể nào về mức tài trợ mà các quốc gia giàu có sẽ cung cấp để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Bản dự thảo COP29 dài 10 trang dù công nhận rằng các nước đang phát triển cần nhiều tỷ USD mỗi năm để ứng phó với biến đổi khí hậu song lại không đưa ra con số cụ thể và có tính quyết định liệu các bên có thể đạt được thỏa thuận hay không.
Việc không có con số cụ thể đã khiến các nhà đàm phán cảm thấy bế tắc và thất vọng, đặc biệt khi dự thảo nêu 2 quan điểm đối lập rõ rệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các quốc gia giàu có, trong đó có Liên minh châu Âu và Mỹ, cho rằng tài chính khí hậu nên bao gồm cả nguồn tài trợ từ các tổ chức tư nhân và các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại yêu cầu rằng nguồn tài chính chủ yếu đến từ ngân sách chính phủ các quốc gia giàu có, và chủ yếu là dưới dạng viện trợ không hoàn lại, thay vì cho vay có thể làm gia tăng nợ công.
Trước thực tế này, nhà đàm phán chính của nước chủ nhà Azerbaijan Yalchin Rafiyev hôm qua đã phải kêu gọi các nước hãy vì lợi ích chung của nhân loại mà thu hẹp bất đồng: "Các đồng nghiệp, chúng ta đã đi một chặng đường dài trong văn bản NCQG (Mục tiêu định lượng tập thể mới). Chúng ta đã đi từ 25 đến 10 trang, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đây là thời điểm mà các bạn cần phải đặt tất cả các lá bài của mình lên bàn. Thời điểm để giữ vững lập trường tối đa của các bạn đã qua rồi."
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các phái đoàn tại COP29 làm dịu đi những đường lối cứng rắn" và thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận. “Tôi cảm nhận được sự mong muốn đạt được sự đồng thuận. Nhưng hãy thẳng thắn mà nói, vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể. Thành công vẫn chưa được đảm bảo. Chúng ta cần một động lực lớn để đưa các cuộc thảo luận đi đến đích nhằm đưa ra một gói tham vọng và cân bằng về tất cả các vấn đề đang chờ xử lý với mục tiêu tài chính mới là trọng tâm. Thất bại không phải là một lựa chọn. Vì vậy, tôi kêu gọi trực tiếp các bộ trưởng và nhà đàm phán: hãy làm dịu đi những đường lối cứng rắn, giải quyết những bất đồng và hướng tầm nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Đừng bao giờ quên những gì đang bị đe dọa".
Theo đánh giá, việc thiếu các con số cụ thể cũng được coi là một bước lùi lớn của COP29. Trong khi tài chính khí hậu được xem là ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự COP29, thì nhiên liệu hóa thạch tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi tại hội nghị năm nay. Tuy những cam kết quan trọng về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch đã được đưa ra tại COP28, nhưng dự thảo tuyên bố chung của COP29 không đưa ra các bước đi cụ thể để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng này.
Khi nhắc đến nhiên liệu hóa thạch, dự thảo chỉ đề cập đến việc loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp những hành động vì khí hậu và điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp để phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
COP29 dự kiến bế mạc vào ngày 22/11, đồng nghĩa với việc thời gian để các bên đi đến sự thống nhất về 2 vấn đề lớn trong đó con số tài trợ cần thiết cũng đang dần hết. Giới quan sát cho rằng với thời gian chỉ còn lại vài giờ, các nhà đàm phán cần nhanh chóng đồng thuận về 3 vấn đề chính: số tiền cụ thể được cam kết, bao nhiêu trong số đó sẽ dưới dạng viện trợ không hoàn lại và cách thức tài trợ sẽ được thu thập và phân phối. Với việc còn quá nhiều vấn đề phải thương lượng, dự kiến hội nghị sẽ phải kéo dài thêm.