Covid-19 lan nhanh tại các “ổ dịch mới”, châu Phi sẵn sàng ứng phó
VOV.VN - Tính đến sáng nay (3/3), dịch Covid-19 đã lan sang tất cả châu lục ngoại trừ Nam Cực, và lây cho hơn 90.000 người, làm hơn 3.000 người tử vong.
Dù tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đại lục đã cải thiện rất nhiều, song ở những ổ dịch mới như tại Italy, Iran và Hàn Quốc,… vẫn chứng kiến tốc độ lây lan “chóng mặt”, với nhiều trường hợp tử vong mới.
Đeo khẩu trang đối với dịch Covid-19 ở Iran. Ảnh: AFP. |
Tại Hàn Quốc sáng 3/3 đã ghi nhận thêm 600 trường hợp nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 4.812 người. Trong khi, số trường hợp tử vong hiện tại là 28. Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục lùi thời gian khai giảng năm học mới (2020-2021) đến ngày 23/3 tới đối với tất cả các bậc học trên toàn quốc để huy động “sức mạnh toàn diện” đối phó với sự lây lan chóng mặt của dịch COVID-19, trong đó có việc triển khai áp dụng biện pháp xét nghiệm nhanh.
Ở Italy – 1 ổ dịch “nghiêm trọng” tại châu Âu, tính đến hết ngày 2/3 có tổng cộng 52 trường hợp tử vong và 2.036 trường hợp bị nhiễm.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – bà Ursula von der Leyen, đến nay, có tới 18 nước thành viên Liên minh châu Âu xuất hiện các trường hợp nhiễm Covid-19. Điều này buộc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) phải nâng mức cảnh báo về dịch Covid-19 từ mức “vừa phải” lên “mức cao”.
Iran vẫn đang là quốc gia có số người tử vong vì dịch bệnh cao nhất bên ngoài Trung Quốc – với 66 ca (tính đến hết ngày 2/3). Hơn 500 trường hợp nhiễm mới và 12 trường hợp tử vong mới đã được ghi nhận tại quốc gia này trong ngày hôm qua. Hàng loạt quan chức và nghị sĩ Iran đã bị xác nhận nhiễm Covid-19, trong đó có trường hợp tử vong mới nhất của cố vấn cấp cao lãnh tụ tối cao Iran ngày hôm qua.
Trước lo ngại “ổ dịch tại vùng Vịnh” này có thể vượt tầm kiểm soát, hôm qua, một nhóm chuyên gia kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tới thủ đô Tehran của Iran để hỗ trợ nước Cộng hòa Hồi giáo ứng phó với dịch bệnh. WHO cho biết, máy bay chở nhóm chuyên gia kỹ thuật này cũng mang theo nhiều vật tư, dụng cụ y tế và thiết bị bảo hộ để hỗ trợ cho hơn 15.000 nhân viên chăm sóc y tế. Ngoài ra, còn có các bộ công cụ xét nghiệm đủ để sử dụng trong hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho gần 100.000 người.
Cùng ngày, Anh, Đức và Pháp đã đề nghị cung cấp một gói hỗ trợ trị giá 5 triệu euro cho Iran nhằm giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này đối phó với dịch bệnh.
Hiện các chuyên gia y tế cũng đang tỏ rõ lo ngại về sự bùng phát ở một khu vực nơi các hệ thống y tế đã quá tải như châu Phi, song hành với các loại dịch bệnh khác như sốt rét, sởi, Ebola và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Phi Rebecca Moeti hôm 2/3 cho biết, các quốc gia châu lục này đã sẵn sàng để ứng phó với Covid-19: “Điều tôi có thể nói là, khả năng chống chọi với dịch bệnh đã được cải thiện rất nhiều tại các nước châu Phi trong vài tháng qua. Chúng tôi đã làm việc với các quốc gia. Chúng tôi từng có dịch Ebola bùng phát mạnh trên lục địa trong một năm rưỡi và tình hình y tế của các nước đã được cải thiện. Những nơi làm xét nghiệm, giám sát dịch bệnh và năng lực của phòng thí nghiệm đã được xây dựng lên và có thể sử dụng và nâng cấp lên được để đối phó với dịch Covid-19”./.