Croatia sẽ là thành viên thứ 20 của khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone
VOV.VN - Uỷ ban châu Âu đã bật đèn xanh cho Croatia trở thành thành viên thứ 20 của khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) kể từ năm 2023, sau 10 năm nộp đơn xin gia nhập.
Trong các báo cáo công bố ngày 1/6, Uỷ ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thống nhất đánh giá Croatia đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quan trọng để có thể gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo đó, Croatia đã đảm bảo tỷ lệ lạm phát trung bình trong vòng 1 năm qua ở mức 4,7%, dưới ngưỡng quy định là 4,9%, duy trì tình trạng tài chính lành mạnh, thâm hụt ngân sách năm 2021 ở mức 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nằm trong giới hạn trần cho phép của EU là 3% GDP, và nợ công thấp hơn mức quy định 80% GDP.
Croatia với hơn 4 triệu dân, là thành viên của Liên bang Nam Tư cũ, bắt đầu nộp đơn xin gia nhập khu vực eurozone từ năm 2013. Đến năm 2020, Croatia bắt đầu tham gia Cơ chế chuyển đổi tiền tệ châu Âu (MCE II). Sau khi gia nhập khu vực đồng euro, đồng nội tệ của Croatia là Kuna được lưu hành từ năm 1994 sẽ bị thay thế bởi đồng euro và dự kiến được quy đổi theo tỷ giá ước tính 1 euro đổi hơn 7,5 Kuna.
Bộ trưởng Tài chính các nước EU sẽ nhóm họp vào đầu tháng 7/2022 để ra quyết định chính thức trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu phê chuẩn Croatia trở thành thành viên thứ 20 của khu vực đồng euro kể từ ngày 01/01/2023.
Cũng trong báo cáo ngày hôm qua, EC đã bác đơn xin gia nhập khu vực đồng euro của một ứng cử viên khác là Bulgaria do chưa đáp ứng các tiêu chí nhưng để ngỏ khả năng Bulgaria có thể trở thành viên tiếp theo của khu vực Eurozone từ năm 2024.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu- Eurozone ra đời năm 2002 với 12 thành viên ban đầu và được coi là biểu tượng thống nhất của châu Âu. Sau 20 năm thành lập, Eurozone đã quy tụ 19/27 thành viên của EU với dân số khoảng 345 triệu người.
Đến nay, việc gia nhập Eurozone vẫn là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều nước EU do phải tuân thủ các quy định tài chính khắt khe. Một số quốc gia được đánh giá là đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí như Hungary, Ba Lan, CH Séc, Thuỵ Điển hay Đan Mạch hiện vẫn từ chối gia nhập khu vực Eurozone./.