Cuộc gặp Merkel – Trump liệu có thu hẹp khác biệt?
VOV.VN - Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với thách thức lớn nhất xuyên Đại Tây Dương khi lần đầu gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/3 tại Nhà Trắng.
Trước chuyến thăm Washington của bà Merkel, dư luận đã hết sức quan tâm tới cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 cường quốc đứng đầu phương Tây nhưng lại có quan điểm chính trị và tính cách cá nhân quá khác biệt này. Câu hỏi đặt ra là liệu nữ thủ lĩnh lâu năm của châu Âu có tạo dựng được quan hệ vững chắc với tân Tổng thống Mỹ.
Bà Merkel và ông Obama có mối quan hệ thân thiết cả trên chính trường và góc độ cá nhân. Ảnh: DPA. |
Cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Trump dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 nhưng bị hoãn lại đến ngày 17/3 vì bão tuyết lớn ở Mỹ. Hai nhà lãnh đạo Đức – Mỹ có rất nhiều vấn đề cần phải thảo luận song nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ cá nhân hơn là quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Đến thời Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ - Đức mới bị đặt dấu hỏi
Bà Merkel vốn có quan hệ tốt đẹp với cả 2 người tiền nhiệm của ông Trump khi mời Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush món thịt nướng sân vườn tại quê hương của bà ở vùng duyên hải Baltic và thết đãi Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama món xúc xích với bia truyền thống của Đức trong không khí hết sức thân tình.
Không phải bà Merkel chưa từng trải qua cú sốc nào trong quan hệ với Mỹ suốt thời kỳ ông Bush và ông Obama nắm quyền.
Ông Bush vui vẻ khi được bà Merkel tiếp đón năm 2008. Ảnh: DPA. |
Nhưng những rạn nứt vì cuộc chiến ở Iraq hay việc bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén cũng không hủy hoại được quan hệ Đức – Mỹ nói chung cũng như quan hệ cá nhân của bà với 2 nhà lãnh đạo này nói riêng. Cả ông Obama và ông Bush đều xem bà Merkel là người đầu tiên phải hợp tác trong hầu hết các vấn đề của châu Âu.
Nhưng mối quan hệ giữa bà Merkel với ông Trump thì khác.
Thách thức phức tạp
Với việc ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Merkel đang đối mặt với thách thức xuyên Đại Tây Dương lớn nhất của bà từ trước tới nay. Bản thân bà cũng chịu sức ép gia tăng ở trong nước khi chỉ còn 6 tháng nữa là diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
“Liên quan đến chính trị Mỹ, sự việc chưa bao giờ phức tạp như bây giờ” - Josef Janning, người đứng đầu Văn phòng tại Berlin (Đức) của Hội đồng châu Âu về Đối ngoại nhận định.
Ông John Harper, một giáo sư Mỹ về chính sách đối ngoại của trường đại học Johns Hopkins tại Bologna (Đức) cho rằng bà Merkel sẽ phải có chiến thuật mới để thiết lập “mối quan hệ làm việc tử tế” với ông Trump bởi tân Tổng thống Mỹ “hoàn toàn khác” so với người tiền nhiệm Obama hay Bush. Theo ông Harper, khác biệt lớn nhất có thể là vì ông Trump không có kinh nghiệm chính trị như những người tiền nhiệm hay như bà Merkel.
Đó là chưa kể việc ông Trump có xu hướng phản ứng nhanh và mạnh trong hầu hết mọi vấn đề, từ chính trị đến phi chính trị, nhất là thường lại qua mạng Twitter thay vì những kênh chính thống. Trong khi đó, bà Merkel, người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu luôn được kính nể bởi sự điềm tĩnh và tập trung.
Thế giới quan đối nghịch
Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn thích cách tiếp cận hợp tác và đa phương đối với những vấn đề chính trị toàn cầu.
Trong khi ông Trump, với những gì thể hiện từ khi lên nắm quyền đến nay, dường như chọn cách tiếp cận của một siêu cường đối với mọi vấn đề quốc tế, coi thường các thể chế và cơ chế đa phương và xem chính trị như “trò chơi hòa vốn”. Merkel: Chủ nghĩa bảo hộ của Trump có thể tạo nên khủng hoảng mới
Cộng thêm với việc cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Đức đều có cách nói chuyện cứng rắn, những điều này khiến cho ông Trump và bà Merkel càng khó tìm được sự đồng thuận.
Chính vì thế, 2 chuyên gia Josef Janning và John Harper đều không kỳ vọng bất cứ kết quả hữu hình nào từ cuộc gặp đầu tiên giữa bà Merkel và ông Trump.
Mỹ - Đức vẫn phải đồng thuận ở những điều tối thiểu
Đức đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg mùa hè này và đây là cái cớ để bà Merkel thăm Nhà Trắng lần này.
“Một trong những mối quan tâm của bà ấy là ít nhất nhận được đủ những cam kết bằng lời nói của tân Tổng thống đối với tiến trình G20 và với ý tưởng giải quyết những vấn đề thông qua cấu trúc hợp tác” – nhà phân tích Janning nêu rõ.
Nhưng một trong những chủ đề chính mà bà Merkel và ông Trump dự kiến thảo luận là tương lai của Liên minh châu Âu (EU).
Khó xử ở chỗ ông Trump luôn không giấu diếm sự ủng hộ đối với việc Anh rời khỏi EU (Brexit) và cũng nhiều lần thể hiện rõ rằng ông ít khi nghĩ tới liên minh này như là một khối mà coi trọng quan hệ song phương trực tiếp với từng nước thành viên hơn là thông qua Brussels.
Chính vì thế, “sứ mệnh” của bà Merkel trong chuyến thăm Mỹ lần này là phải làm rõ vì sao EU không chỉ quan trọng với Đức hay châu Âu mà còn với cả Mỹ. Theo ông Janning, đây là một nhiệm vụ khó khăn vì không giống như những người tiền nhiệm, ông Trump dường như không cho rằng Mỹ có trách nhiệm với hoạt động phòng thủ của châu Âu.
“Điều tôi mong sẽ diễn ra trong chuyến thăm này là ít nhất bà Merkel có thể thuyết phục ông Trump ngừng công kích EU hay là khuyến khích những chính trị gia như bà Marine Le Pen” – ông Harper cho biết.
Tương tự, quan hệ với Nga cũng là một vấn đề gai góc trong cuộc gặp Mỹ - Đức lần này. Bà Merkel sẽ phải giải thích với ông Trump rằng bà coi lập trường nhất quán về các nguyên tắc chung của trật tự châu Âu sau chiến tranh là nền tảng cho mối quan hệ với Nga.
Sẽ khó có bằng chứng rõ ràng việc bà Merkel và ông Trump có tìm được tiếng nói chung sau cuộc gặp đầu tiên ngày 17/3 hay không. Nhưng mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn trong nửa năm tới, khi mà bà Merkel phải chạy đua để vượt qua cuộc tổng tuyển cử trong nước còn ông Trump cũng đứng trước sức ép phải đưa ra những kết quả thực chất khi kết thúc “tuần trăng mật” của nhiệm kỳ.
Theo ông Harper, ít nhất sẽ có một hiệu ứng tức thời sau cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Đức này. “Một khi ông Trump gặp bà Merkel, tôi nghĩ ông ấy sẽ khó lòng dám xúc phạm bà ấy nữa” ông Harper chia sẻ./.
“Thời đại Trump” gây hiệu ứng ngược cho bầu cử Đức