Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều “mong manh” cần được nắm giữ
VOV.VN - Mỹ và Hàn Quốc vẫn kỳ vọng cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều sẽ diễn ra, mang lại một thành tựu ngoại giao thực sự.
Ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng, hiện vẫn chưa rõ “số phận” của cuộc gặp Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ ra sao, sau khi giới chức ngoại giao của Bình Nhưỡng đe dọa hủy bỏ cuộc gặp nếu lợi ích của quốc gia này không được đảm bảo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ diễn ra. Ảnh: CNN
Dù “mong manh”, “chưa rõ ràng”, song người đứng đầu nước Mỹ cũng như giới chức nước này và Hàn Quốc vẫn kỳ vọng cuộc gặp “lịch sử” sẽ diễn ra, mang lại một thành tựu “ngoại giao” thực sự.
Trả lời báo giới trong cuộc gặp Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, vào thời điểm hiện tại, Mỹ chưa nhận được thông báo hủy cuộc gặp Thượng định Mỹ-Triều từ phía Bình Nhưỡng:
“Chúng ta sẽ phải chờ xem. Vẫn chưa có một quyết định nào được đưa ra, chúng tôi chưa được thông báo điều gì cả. Chúng tôi chưa thấy gì, chưa nghe thấy gì và mọi thứ vẫn sẽ phải chờ xem”, ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẽ vẫn theo đuổi việc gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân bất chấp việc Bình Nhưỡng cho rằng, những đòi hỏi đơn phương từ Mỹ là “vô lý”, trong khi an ninh quốc gia của Triều Tiên không được đảm bảo.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cũng thông báo, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng cho những cuộc đàm phán khó khăn với phía Triều Tiên.
Chính phủ Mỹ vẫn đang hi vọng, cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ diễn ra một cách tốt đẹp, song Washington cũng đã chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất.
Phản ứng trước những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 16/5 cho biết, Mỹ nên thừa nhận những động thái làm giảm bớt căng thẳng từ phía Triều Tiên trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggyeri. Theo ông Vương Nghị, Mỹ nên “trân quý” cơ hội đối thoại này nhằm đạt được một nền hòa bình thực sự cho bán đảo.
Lời khuyên cho Mỹ khi Triều Tiên dọa hủy gặp Thượng đỉnh
Trước đó, sáng 16/5, Thứ trưởng Ngoại giao Thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye-gwan cảnh báo, nước này có thể xem xét dừng hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ đã được lên kế hoạch tại Singapore vào ngày 12/6. Ông Kim Kye-gwan cho rằng, chính quyền Mỹ đang dồn Bình Nhưỡng vào “chân tường” với đòi hỏi đơn phương đối với Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo nhà Ngoại giao Triều Tiên, nước này là một quốc gia hạt nhân, nên không thể áp dụng mô hình đàm phán từng áp dụng với Libya và Iraq trước đây.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng lời đe dọa của ông Kim cũng tương tự cách Tổng thống Trump khẳng định sẽ không tiến hành cuộc Thượng đỉnh nếu Bình Nhưỡng không nghiêm túc từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhiều chuyên gia nhận định, chính quyền Mỹ không nên “sập bẫy” của Triều Tiên bằng việc phản ứng thái quá với lời đe dọa.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng, Mỹ đang “cố gắng lạc quan và thực tế”. Dẫu vậy, theo hãng tin Reuters của Anh, nếu cuộc Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị hủy bỏ, đó sẽ là tổn thất lớn đối với cá nhân ông Trump khi ông đang cố gắng “ghi điểm” về mặt đối ngoại.
Không chỉ bất bình với Mỹ, Triều Tiên cũng đã hủy cuộc đàm phán cấp cao giữa hai miền Triều Tiên vì cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn. Triều Tiên cho rằng, cuộc tập trận này là hành động “khiêu khích” nhằm vào Bình Nhưỡng, đi ngược lại với diễn biến tình hình tích cực trên Bán đảo Triều Tiên.
Giới chức Hàn Quốc hai ngày nay tỏ ra lấy làm tiếc về quyết định “bất ngờ” của Triều Tiên, đồng thời hy vọng Bình Nhưỡng sẽ vẫn trung thành với các cam kết được đưa ra trong cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn./.
Hàn Quốc tiếp tục tham vấn đưa Triều Tiên trở lại đàm phán cấp cao
Triều Tiên phê phán Mỹ và Hàn Quốc đi ngược lại thiện chí hòa bình