Đàm phán với Triều Tiên không bao giờ dễ dàng với Mỹ
VOV.VN - Thế giới đang khấp khởi về một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên thì bất ngờ Triều Tiên bóng gió về khả năng hủy thượng đỉnh với Mỹ.
Triều Tiên đã hủy cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc (dự kiến tổ chức vào ngày 16/5), đồng thời đe dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh với Mỹ theo kế hoạch sẽ diễn ra vào đầu tháng 6.
Điều này cho thấy việc đàm phán với chính quyền Triều Tiên không phải là điều dễ dàng đối với Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng vào cuối tháng 4/2018. Ảnh: Nhà Trắng. |
Phản đối tập trận Mỹ-Hàn
Trên thực tế, trong các năm qua, Triều Tiên đã thường xuyên chuyển trạng thái từ đối đầu sang hòa dịu và ngược lại trong mối quan hệ với các cường quốc trên thế giới.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 15/5 công bố hủy cuộc gặp với Hàn Quốc, với lý do viện dẫn là Seoul và Washington tiến hành tập trận không quân. Phía Triều Tiên coi cuộc tập trận này là một sự khiêu khích và là một hoạt động huấn luyện nhằm mục đích xâm lược [Triều Tiên].
Việc Bình Nhưỡng thông báo hủy cuộc họp cấp cao liên Triều diễn ra vào lúc 0h30 sáng 16/5, trước khi cuộc họp theo kế hoạch sẽ diễn ra trong chưa đầy 10 tiếng sau đó. Bình Nhưỡng lấy lý do Mỹ-Hàn tập trận để lý giải việc hủy họp.
Sau đó, cũng trong ngày 16/5, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan ra thông cáo nói rằng Triều Tiên sẽ xem xét lại việc có tham gia hội nghị thượng đỉnh liên Triều nếu như Mỹ ép Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên từ lâu đã phản đối các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng động thái lần này của họ vẫn khiến giới quan sát tình hình Triều Tiên bất ngờ. Bởi lẽ, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un trước đó có tuyên bố rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bất kể các cuộc tập trận chung.
Một quan chức Triều Tiên vào hôm 16/5 còn tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào ngày 12/6 ở Singapore cũng thể bị hủy bỏ nếu chỉ có các yêu cầu một phía về việc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên, Kim Kye-gwan, phát biểu vào hôm 16/5: “Chúng tôi không còn quan tâm tới một cuộc đàm phán chỉ nhăm nhằm dồn chúng tôi vào góc tường... Điều này sẽ buộc chúng tôi phải xem xét lại liệu chúng tôi có chấp nhận tham gia hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ hay không”.
Mối nghi ngờ vẫn còn
Các tuyên bố trên của Triều Tiên trái ngược với không khí trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon vào ngày 27/4, khi ông Kim Jong-un hứa hẹn về một “kỷ nguyên mới” về hợp tác.
Vị Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan cũng chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, vì đã bình luận rằng Triều Tiên nên theo “mô hình Libya” về giải trừ vũ khí hạt nhân một cách “hoàn toàn, có kiểm chứng và không đảo ngược được”.
Việc nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị phiến quân lật đổ với sự hậu thuẫn của Mỹ dù ông đã chiều theo yêu cầu phi hạt nhân hóa là một vấn đề gai góc gây khó khăn cho Mỹ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận phi hạt nhân với Triều Tiên.
Triều Tiên lại càng nghi ngờ Mỹ hơn nữa sau khi Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mối nghi ngờ giữa 2 bên vốn rất lớn. Triều Tiên từng ký tới 5 thỏa thuận về phi hạt nhân hóa nhưng cuối cùng đều hủy các thỏa thuận này.
Bruce Klingner, cựu trưởng CIA ở khu vực bán đảo Triều Tiên và giờ là nhà phân tích của Quỹ Heritage, cho biết: Các quan chức Hàn Quốc mới đây còn lo ngại Tổng thống Mỹ Trump sẽ nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán với ông Kim Jong-un nhưng giờ họ lại lo ngại ông Kim sẽ nối gót các nhà lãnh đạo Triều Tiên trước đó (trong việc hủy bỏ các thỏa thuận).
Đòn ngoại giao tạo thế?
Tuy nhiên, nhà phân tích cao cấp về bán đảo Triều Tiên Christopher Green nói rằng các động thái mới đây nhất của Triều Tiên chỉ đơn giản là nhằm tạo lợi thế.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc Triều Tiên hủy cuộc gặp cấp cao và đe dọa hủy tiếp cả thượng đỉnh Mỹ-Triều là nhằm giành lợi thế trước các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Đa số giới quan sát cho rằng Triều Tiên không muốn phá hỏng không khí đối thoại mà chỉ đang cố gia tăng năng lực mặc cả trước đàm phán và gửi đi thông điệp cảnh báo với Mỹ (hơn là với Hàn Quốc) rằng Mỹ không nên đánh giá thấp Triều Tiên.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri
Giới chuyên gia nhận định cuộc tập trận Mỹ-Hàn nói trên có thể không phải là nguyên nhân thực sự cho việc Triều Tiên hủy họp, vì tập trận bắt đầu từ ngày 11/5 mà vào 4 ngày sau đó, Triều Tiên gợi ý tổ chức họp liên Triều. Đã vậy trước đó, Kim Jong-un nói với các đặc phái viên Hàn Quốc rằng ông hiểu chuyện Mỹ-Hàn tổ chức tập trận chung.
Shin Beom-chul, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói: “Với việc coi các cuộc tập trận là cái cớ [để hủy họp], Bình Nhưỡng đang gián tiếp bày tỏ sự bất mãn về quan điểm cứng rắn của Washington, như là đòi di dời vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sang Mỹ, loại bỏ vũ khí hóa học và đưa ra vấn đề nhân quyền”.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan cho rằng các nhận xét của giới chức Mỹ như “phi hạt nhân hóa trước và thưởng sau đó” và “hủy bỏ hoàn toàn các vũ khí hạt nhân, tên lửa và vũ khí hóa học” là “những ngôn từ không suy nghĩ và khiêu khích đối tác”.
Giáo sư Đại học Dongguk Ko Yu-hwan cho biết, Triều Tiên coi việc loại bỏ các mối đe dọa quân sự và đảm bảo an ninh cho chế độ tại Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho việc phi hạt nhân hóa.
Bình Nhưỡng cũng thất vọng về việc một cuộc họp báo do Thae Yong-ho, một nhà ngoại giao Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, được tổ chức tại Quốc hội Hàn Quốc vào hôm 14/5.
Hãng tin KCNA của Triều Tiên đưa tin: “Mặc dù Hàn Quốc hứa hẹn cùng nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên, họ lại đang hành động ngược lại hứa hẹn đó, để cho thứ rác rưởi đó đứng tại Quốc hội và vu khống nhà lãnh đạo tôn kính và chế độ của chúng tôi”./.