Cuộc sống của những người dân bị mắc kẹt tại Debaltseve, Ukraine
VOV.VN - Cuộc xung đột tại đây đã khiến nhiều người dân địa phương phải đối mặt với sự sống còn.
Trong những tuần qua, thị trấn Debaltseve được mệnh danh là “lò nung”, là tâm điểm của cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Sau khi lực lượng đối lập kiểm soát được thị trấn trọng điểm Debaltseve, miền Đông Ukraine, nơi đây đã biến thành một bãi tan hoang. Những chiếc xe bọc thép cháy rụi, những hố đạn pháo ở khắp nơi, những căn nhà lỗ chỗ vết đạn pháo là những dấu hiệu còn lại cho thấy sự khốc liệt của trận chiến tại Debaltseve.
Trước khi xảy ra giao tranh, Debaltseve - một thị trấn nằm giữa Donetsk và Lugansk có dân số 25.000 người. Tuy nhiên, sau giao tranh, theo thống kê của các nhóm nhân quyền, chỉ còn khoảng 5.000 người ở đây. Hầu hết những người dân còn lại là những người già, người quá ốm yếu hoặc quá cứng đầu.
Bà Nina Alexeevna, 63 tuổi, là một trong số những người đã chọn ở lại Debaltseve cho biết: “Có phải tất cả chúng ta là người Ukraine không? Đột nhiên, những người anh em của chúng ta ở khu vực khác đến bắn phá chúng ta? Nếu con người không muốn trở thành một phần của xã hội này nữa thì cần phải giải quyết bằng cách biện pháp ngoại giao chứ không phải bằng hành động quân sự. Người ta không nên đối xử với nhau bằng cách bắn phá mọi thứ, phá hủy mọi thứ”.
Bà cho biết, hiện giờ chỉ còn một mình bà đang ở lại trong khu chung cư bị tàn phá bởi đạn bom này: "Hiện giờ không còn ai sống ở đây nữa, chỉ còn có một mình tôi. Những người khác đã bỏ đi hết rồi và đến bây giờ họ vẫn chưa quay trở lại”.
Mới đây, một thỏa thuận ngừng bắn mới đã được ký ở Minsk, Belarus hay còn gọi là thỏa thuận Minsk 2 giữa các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine. Các nhà lãnh đạo đã khẳng định với các phóng viên rằng, các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ được tuân thủ. Thế nhưng, những tuyên bố của các nhà lãnh đạo lại khá xa vời với thực tế đáng buồn ở Debaltseve, miền Đông Ukraine.
Một binh sỹ của phe đối lập cho biết, mặc dù thỏa thuận hòa bình Minsk mới đã được ký kết nhưng họ không tin rằng hòa bình sẽ đến với mảnh đất này: "Theo ý kiến cá nhân của tôi, thì hòa bình sẽ chưa đến với Ukraine. Chính quyền Kiev và cả phương Tây đều muốn mang đau khổ đến cho mảnh đất này, cho những người dân nơi đây”.
Hiện những người dân đang sống tại Debaltseve đang phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng viện trợ từ bên ngoài. Bởi vì từ khi phe đối lập chiếm được thị trấn này thì các cửa hàng đều đã đóng cửa. Những nhân viên tình nguyện đã đến nơi đây để phân phát hàng cứu trợ.
Phải mất vài ngày để hàng cứu trợ của Hội chữ thập đỏ đi từ thị trấn láng giềng vào đây do các con đường bị hư hại nặng sau các cuộc xung đột. Hàng cứu trợ được phát tại trung tâm thị trấn và nhiều người xếp hàng dài để chờ nhận hàng cứu trợ.
Một người dân thị trấn Debaltseve nói: “Hiện chúng tôi không có việc làm và cũng không có gì để ăn. Do vậy, chúng tôi cần viện trợ nhân đạo để sống”.
Phần lớn cư dân Debaltseve hiện đã rời tới các thành phố khác vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ. Tuy nhiên ngay cả việc ra đi cũng mang tới không ít rủi ro, bởi đạn pháo gần như liên tục rơi xuống Debaltseve.
Những người rời đi không có xe riêng. Họ thường phải để đồ đạc trong những chiếc túi nilon, vali và tụ tập ở ga tàu hoặc trung tâm thành phố. Họ phải chờ những chiếc xe con, xe buýt nhỏ hoặc lớn do các nhân viên cứu trợ cầm lái, chạy tới và đưa họ đến nơi an toàn.
Ngay cả khi đã lên xe, nguy hiểm vẫn rình rập họ. Con đường dẫn từ Debaltseve tới thành phố an toàn nằm gần đó là Artyemovsk cũng thường bị bắn pháo. Và một khi tới nơi an toàn, họ sẽ phải chờ đợi, băn khoăn không biết bao giờ mình mới có thể về nhà. Như vậy, khi khu vực miền Đông Ukraine vẫn chưa im tiếng súng thì các cuộc trốn chạy của người dân vẫn còn tiếp diễn và cuộc sống của họ vẫn còn bị đe dọa./.