Vì sao nhiều người trẻ Trung Quốc “bỏ phố về quê”?

VOV.VN - Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc rời bỏ thành phố, trở về quê hương sinh sống và lập nghiệp, thậm chí có những bạn trẻ ngay từ đầu đã không có ý định chuyển đến các thành phố lớn.

Những ngôi làng được rao bán với giá 0 đồng ở Italy, hay những trường học phải đóng cửa vì không đủ học sinh theo học ở Nhật Bản. Đó là những hệ lụy khi người dân ở các vùng nông thôn đổ về các thành phố lớn để sinh sống, làm việc, và cũng là bài toán nan giải với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh chung đó, nhiều người sẽ khá ngạc nhiên khi chứng kiến một hiện tượng thú vị ở Trung Quốc khi các con số thống kê cho thấy ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc rời bỏ thành phố, trở về quê hương sinh sống và lập nghiệp, thậm chí có những bạn trẻ ngay từ đầu đã không có ý định chuyển đến các thành phố lớn. Không ít người trong số họ đang tạo ra luồng sinh khí mới cho sự phát triển ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.  

Điều gì thúc đẩy người trẻ Trung Quốc về nông thôn lập nghiệp?

Nếu như trước đây, nhiều người Trung Quốc ở nông thôn đã bỏ quê hương để lên thành phố mưu sinh. Hầu hết các gia đình nông thôn đều coi việc theo đuổi giáo dục đại học và sau đó định cư ở khu vực thành thị là lối thoát tốt nhất cho con em mình, nhằm tìm kiếm cơ hội tốt hơn để cải thiện cuộc sống. Thì nay, một làn sóng “di cư ngược”, tức người trẻ rời thủ đô và các thành phố lớn để về quê lập nghiệp đã xuất hiện ở nước này. Xu hướng trên không phải mới diễn ra, mà đã có từ vài năm nay, đặc biệt là trong và sau đại dịch.

Sách Xanh theo dõi và đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên tốt nghiệp đại học từ khóa 2018-2022 của công ty tư vấn giáo dục Trung Quốc MyCOS cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ở các địa phương cấp huyện tăng từ 20% với khóa 2018 lên 25% với khóa 2022.

Đối với nhóm sinh viên tốt nghiệp các năm 2016 và 2017, số liệu cho thấy gần 60% sinh viên quay về các thành phố nhỏ hơn để làm việc và đã ở lại đó liên tục trong 5 năm. Trong khi đó, hơn 40% quay trở lại các thành phố nhỏ này để làm việc sau “một thời gian thử đi làm ở nơi khác”.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là kinh tế khó khăn thời kỳ hậu Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, buộc họ phải cắt giảm nhân sự và tiền lương... Làn sóng thất nghiệp trong thanh niên tăng cao. Trung Quốc từng phải tạm ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên sau khi đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023. Sau khi giảm một thời gian, con số này lại tăng trở lại vào tháng 7, lên 17,1% và tăng tiếp lên 18,8% trong tháng 8/2024, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2023.

Cơ hội việc làm ngày càng ít và cạnh tranh khốc liệt khiến giới trẻ cảm thấy áp lực và mệt mỏi nếu tiếp tục bám trụ tại các thành phố lớn. Thay vì loay hoay trong vô vọng ở nơi đô thị và chốn công sở, không ít người trẻ đã thay đổi suy nghĩ, quyết định bỏ phố về quê để tìm một công việc khác cũng như để có một cuộc sống bớt áp lực và được gần gũi với gia đình, thiên nhiên hơn.

Mặt khác, còn một động lực nữa khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc, lựa chọn tìm việc ở các thành phố nhỏ hơn thay vì những nơi thường được ưa chuộng như trung tâm tài chính Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh. Đó là chủ trương khuyến khích của Trung ương và các chính sách thu hút nhân tài của nhiều địa phương, nhằm đưa thanh niên tri thức về hỗ trợ “chấn hưng nông thôn”, phiên bản nông thôn mới 2.0 ở Trung Quốc, sau khi nước này tuyên bố giành “chiến thắng toàn diện” trong cuộc chiến chống đói nghèo vào cuối năm 2020. Nhiều làng quê hiện đại và trù phú dần trở thành điểm đến của các bạn trẻ, trong đó không ít là các du học sinh từng học tập nhiều năm ở nước ngoài.

Người trẻ “bỏ phố về quê” và tác động đến các vùng nông thôn

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc từng chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt khi thanh niên ở nông thôn đổ lên thành phố tìm việc, để lại quê nhà toàn người già và trẻ nhỏ. Thậm chí đến nay những làng quê như vậy vẫn không hiếm.

Tuy nhiên, người trẻ “bỏ phố về quê” đang trở thành xu hướng và đã đem lại một số mặt tích cực cho khu vực này, trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung “chấn hưng nông thôn” và rất muốn thu hút nhân tài trẻ về các vùng quê.

Ngoài việc giúp thanh niên Trung Quốc có được việc làm, làn sóng di cư ngược này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các thành phố nhỏ và nông thôn. Nhà hàng, siêu thị xuất hiện ngày càng nhiều tại đây. Nhiều làng quê còn trở thành những điểm du lịch nổi tiếng sau khi phát triển ngành nghề mới hay được các họa sĩ, nghệ sĩ để mắt nhờ có những thay đổi đáng kể về môi trường và cảnh quan.

Nếu có dịp đến những làng quê ven đô ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, người ta sẽ thấy người nông dân ở đây vẫn trồng lúa, nhưng tất cả đã được chính quyền địa phương bao thầu và giao cho những công ty do thanh niên điều hành. Không chỉ được canh tác bằng hệ thống máy móc với công nghệ hiện đại và quản lý theo mô hình doanh nghiệp, các cánh đồng lúa còn được dùng để phát triển dịch vụ du lịch kết hợp với hình thức nhận chăm sóc của các doanh nghiệp ở thành phố. Với một số tiền nhất định, các doanh nghiệp này vừa có gạo sạch để ăn, vừa có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại và trải nghiệm cho nhân viên trên các mảnh ruộng mình nhận chăm sóc. Trong khi đó, người nông dân giờ đã không còn phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc, mà vẫn có thu nhập ổn định.

Ngoài ra, việc dịch chuyển nguồn nhân lực cũng tạo ra nhiều hoạt động kinh tế sôi động ở vùng nông thôn và đô thị nhỏ, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Giờ đây, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều những “nông dân mới”, tức các thanh niên có học vấn cao với những ý tưởng cùng kỹ năng mới, về nông thôn lập nghiệp. Họ đang trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội và nông thôn hiện đại, đem lại diện mạo mới cho các vùng quê và tạo nên những ngôi làng tương lai ở Trung Quốc.

Người trẻ Trung Quốc về nông thôn tìm việc – hiện tượng nhất thời hay xu thế dài hạn?

Với những người trẻ trở về quê làm việc vì lý do bất khả kháng, hay những làng quê nơi họ đến còn nghèo, chưa được đầu tư nhiều, thiên nhiên không mấy ưu đãi, đây có thể chỉ là bến đỗ tạm thời của họ. Bởi nếu làm việc tại các công ty địa phương, lương thường sẽ thấp và có thể không đủ trang trải học phí đại học mà gia đình họ đã bỏ ra. Chưa kể đến nhiều kinh nghiệm làm việc ở nông thôn có thể trở nên vô dụng khi họ quay lại các thành phố lớn. Do vậy, khi có cơ hội, những người trẻ này vẫn sẵn sàng quay trở lại các đô thị phồn hoa.

Tuy nhiên, với những vùng quê đã và đang phát triển thịnh vượng, không quá xa thành phố và có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, đây có thể sẽ là những mảnh đất màu mỡ giữ chân người trẻ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới chất lượng cao hơn và cơ cấu tốt hơn, với sự hỗ trợ chính sách của chính phủ và sự đầu tư liên tục vào công nghệ cũng như cơ sở vật chất công cộng ở khu vực nông thôn.

Trong khi đó, nhiều làng quê ở quốc gia này cũng đang tìm cách thu hút nhân tài. Chẳng hạn, làng Dư ở huyện An Cái, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, từ tháng 7/2022 đã khởi động chương trình tuyển mộ “đối tác toàn cầu”, mời gọi thanh niên phát triển các mô hình kinh doanh mới cho làng.

Hay như huyện Toại Xương cũng ở tỉnh này tuyên bố cung cấp cho những người có bằng thạc sĩ khoản trợ cấp nhà ở 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) và trợ cấp sinh hoạt hàng năm 30.000 nhân dân tệ trong 5 năm nếu họ làm việc cho một nhà tuyển dụng địa phương.

Trong nỗ lực giữ chân người trẻ, nhiều vùng nông thôn tại Chiết Giang còn có những cải cách nhằm cung cấp các dịch vụ công giống như ở thành phố, từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại đến các không gian văn hóa như thư viện và phòng trưng bày nghệ thuật.

Chiết Giang là mảnh đất Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng làm lãnh đạo từ năm 2002-2007. Ông từng nhiều lần nhấn mạnh, Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc thực sự nếu không có nền nông nghiệp mạnh và những ngôi làng thịnh vượng, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương thu hút không chỉ sinh viên đại học, mà còn cả các doanh nhân và nông dân trước đây đã ly hương để lên thành phố tìm việc. Cách làm này đang diễn ra trên thực tế, ở cả những vùng quê nằm sâu trong núi ở Trung Quốc.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngân hàng giống cây trồng Trung Quốc đáp ứng nhu cầu bảo tồn chiến lược 50 năm
Ngân hàng giống cây trồng Trung Quốc đáp ứng nhu cầu bảo tồn chiến lược 50 năm

VOV.VN - Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) hôm qua (10/12) cho biết, ngân hàng tài nguyên giống cây trồng quốc gia mới của nước này đã thành lập và đi vào hoạt động, với khả năng lưu giữ 1,5 triệu mẫu, có thể đáp ứng nhu cầu bảo tồn chiến lược dài hạn trong 50 năm tới.

Ngân hàng giống cây trồng Trung Quốc đáp ứng nhu cầu bảo tồn chiến lược 50 năm

Ngân hàng giống cây trồng Trung Quốc đáp ứng nhu cầu bảo tồn chiến lược 50 năm

VOV.VN - Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) hôm qua (10/12) cho biết, ngân hàng tài nguyên giống cây trồng quốc gia mới của nước này đã thành lập và đi vào hoạt động, với khả năng lưu giữ 1,5 triệu mẫu, có thể đáp ứng nhu cầu bảo tồn chiến lược dài hạn trong 50 năm tới.

Trung Quốc phát triển robot hình cầu lưỡng cư hỗ trợ cảnh sát tuần tra
Trung Quốc phát triển robot hình cầu lưỡng cư hỗ trợ cảnh sát tuần tra

VOV.VN - Một robot hình cầu có thể hoạt động cả trên mặt đất và dưới nước với khả năng theo dõi, chiến đấu và bắt giữ, gần đây đã tuần tra cùng các cảnh sát tại một khu thương mại ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Với sự cải tiến về kích thước và chức năng, robot này dự kiến ​​sẽ được ứng dụng rộng rãi.

Trung Quốc phát triển robot hình cầu lưỡng cư hỗ trợ cảnh sát tuần tra

Trung Quốc phát triển robot hình cầu lưỡng cư hỗ trợ cảnh sát tuần tra

VOV.VN - Một robot hình cầu có thể hoạt động cả trên mặt đất và dưới nước với khả năng theo dõi, chiến đấu và bắt giữ, gần đây đã tuần tra cùng các cảnh sát tại một khu thương mại ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Với sự cải tiến về kích thước và chức năng, robot này dự kiến ​​sẽ được ứng dụng rộng rãi.

Trung Quốc và tham vọng mạng lưới giao thông trên không
Trung Quốc và tham vọng mạng lưới giao thông trên không

VOV.VN - Mạng lưới giao thông trên không được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mặt đất, đem lại cho người dân đô thị một cách đi lại nhanh hơn, hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Trung Quốc và tham vọng mạng lưới giao thông trên không

Trung Quốc và tham vọng mạng lưới giao thông trên không

VOV.VN - Mạng lưới giao thông trên không được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mặt đất, đem lại cho người dân đô thị một cách đi lại nhanh hơn, hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường.