Đã đến lúc kết thúc đàm phán hạt nhân Iran, các bên cận kề một thỏa thuận
VOV.VN - “Trong vài ngày tới, các bên phải đưa ra quyết định chính trị để khép lại tiến trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran” – đó là tuyên bố của Đặc phái viên Liên minh châu Âu Enrique Mora có nhiệm vụ điều phối quá trình đàm phán giữa các bên trong suốt 11 tháng qua.
Cả Mỹ và Iran đều xác nhận họ đang rất gần với một thỏa thuận.
Hôm qua (7/3), Trưởng đoàn đàm phán của Iran Ali Bagheri Kani đã rời Vienna, Áo, để về nước báo cáo kết quả đàm phán với giới lãnh đạo nước này. Đại diện Iran về nước muộn hơn so với các đại diện của Anh, Pháp, Đức, do vẫn phải đàm phán gián tiếp với Mỹ về những vấn đề khác biệt cuối cùng.
Ba nước châu Âu trước đó cho rằng, nhiệm vụ đàm phán của họ đã hoàn thành.
Từ Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm qua (7/3) thừa nhận, đến nay, những khác biệt cuối cùng vẫn chưa giải quyết xong, dù các bên đã gần với thỏa thuận hơn bao giờ hết: “Tôi nghĩ lý do quan trọng nhất khiến chúng tôi tập trung và ngồi vào bàn đàm phán với người Iran chính là ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Đó là lý do tại sao chúng tôi tham gia vào các cuộc đàm phán này. Chúng tôi đang tiến gần hơn với thỏa thuận. Vẫn còn những việc quan trọng cần làm, bao gồm cả các cuộc thảo luận về dầu mỏ. Nhưng lý do quan trọng nhất là ngăn họ có được vũ khí hạt nhân ”.
Còn theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh, hiện những khác biệt giữa Iran và các nước phương Tây đã “ít hơn số ngón tay trên một bàn tay”. Ông nhấn mạnh, nếu Mỹ có cách tiếp cận hợp lý, hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận nhanh chóng”.
“Nếu Mỹ có quan điểm hợp lý và cân nhắc các mối quan tâm của các nước P4 + 1 và Iran, đồng thời chúng tôi nhận được phản hồi thích hợp cho các yêu cầu của chúng tôi từ Washington, thì một thỏa thuận có thể đạt được trong thời gian ngắn nhất.”
Ông Khatibzadeh tiết lộ, Tehran sẽ quyết định về khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ dựa trên cách hành xử của Washington chứ không phải “những thông điệp mập mờ hay khó biết kết quả sẽ ra sao”.
Hiện phía Mỹ và Pháp còn quan ngại thêm 1 vấn đề khác - đó là yêu cầu mới của Nga về một văn bản từ Mỹ, để đảm bảo rằng bất kỳ mối quan hệ thương mại-kinh tế và đầu tư nào giữa Nga và Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt Nga hiện nay, dựa theo Thỏa thuận hạt nhân. Các nguồn ngoại giao cho rằng, đòi hỏi của Nga đang ở giai đoạn nước rút là không mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo cấp cao Iran đồng loạt bác bỏ điều này, cho rằng mọi đóng góp của Nga cho tiến trình đàm phán tại Vienna đến nay là tích cực. Hôm qua (7/3), trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian, cả hai đều khẳng định, việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cần đảm bảo rằng “tất cả các bên liên quan đều có quyền bình đẳng và tự do hợp tác trong mọi lĩnh vực mà không gặp bất cứ sự phân biệt đối xử nào”.
Với Mỹ và châu Âu, hiện đã không còn thời gian để trì hoãn thêm việc đưa các bên trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Điều phối viên châu Âu Enrique Mora hôm qua (7/3) khẳng định, đã đến lúc phải đưa ra các quyết định chính trị để kết thúc tiến trình đàm phán. Ông cho rằng, sẽ không còn các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay các cuộc gặp chính thức để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, khi mà đại diện đàm phán của các nước đã về nước để báo cáo lãnh đạo toàn bộ kết quả đạt được, nhằm đưa ra quyết định chính trị cuối cùng./.