Đàm phán hạt nhân Iran: Lạc quan về một thỏa thuận
VOV.VN - Giới phân tích đã bày tỏ tin tưởng rằng, một thỏa thuận toàn diện có thể sẽ được công bố vào tháng 7/2014.
Ngày 8/4, tại Vienna (Áo), các nhà ngoại giao Iran và nhóm P5+1 sẽ nối lại cuộc đàm phán cấp cao về chương trình hạt nhân của nước này. Vòng thương lượng thứ 3 cấp cao giữa Iran và Nhóm P5+1 kéo dài 2 ngày, nhằm thu hẹp bất đồng giữa các bên để tiến tới soạn thảo một thỏa thuận cuối cùng.
Một vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (Ảnh: AP) |
Người ta vẫn có thể sẽ được chứng kiến những cái bắt tay xã giao tại cuộc gặp lần này, song căng thẳng là không thể tránh khỏi khi mà các bên đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất của tiến trình đàm phán nhằm tìm giải pháp cho những tranh cãi hạt nhân vốn đã kéo dài suốt hàng thập kỷ qua. Tại cuộc đàm phán này, các nhà ngoại giao 2 bên sẽ cố gắng tìm kiếm một thỏa hiệp về hoạt động của các lò phản ứng tại Iran, vốn bị phương Tây cho là được sử dụng để sản xuất các nhiên liệu hạt nhân.
Sau cuộc đàm phán cấp cao lần thứ 2 diễn ra vào cuối tháng trước, Nga đã kêu gọi Iran thể hiện sự thiện chí thông qua việc tìm cách thay đổi lò phản ứng nước nặng Arak và xoa dịu những lo ngại rằng lò phản ứng này có thể sản xuất plutonium, một nhiên liệu quan trọng trong sản xuất vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia đàm phán của Mỹ cho rằng, Iran nên chuyển đổi dự án lò phản ứng nước nặng Arak sang một lò phản ứng nước nhẹ không có khả năng sản xuất plutonium. Mặc dù Iran đã cho biết sẵn sàng thực hiện những thay đổi tại lò phản ứng Arak, song hiện không rõ những thay đổi này sẽ đi xa đến đâu và có đủ để đáp ứng yêu cầu của các đại diện phương Tây tại bàn đàm phán ở Vienna vào ngày hôm nay hay không.
Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết, mặc dù Iran đã nhất trí giải quyết những mối lo ngại về Arak song điều này không đồng nghĩa với việc Arak sẽ bị đóng cửa hoặc bị chuyển đổi sang một cơ sở khác. Tuy nhiên, so với một số vấn đề bất đồng khác liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran thì vấn đề về lò phản ứng nước nặng Arak được cho là dễ giải quyết hơn bởi nó mang tính kỹ thuật nhiều hơn là về chính trị.
“Không thể có một con đường tắt để kết thúc các cuộc đàm phán, song ít nhất là tại thời điểm này, tiến trình đàm phán đang cho thấy những dấu hiệu khá tích cực.” Đây là nhận định được giới phân tích đưa ra trước thềm các cuộc đàm phán cấp cao giữa Iran và nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Trong khi các bên vẫn cảnh báo về những thách thức trên con đường đi đến một thỏa hiệp sau nhiều năm đánh mất niềm tin lẫn nhau, thì người ta cũng đã ít nhiều nhìn thấy những tín hiệu lạc quan le lói sau các cuộc gặp gần đây giữa các chuyên viên của Iran và nhóm P5+1. Giới phân tích trước đó đã bày tỏ tin tưởng rằng, một thỏa thuận toàn diện có thể sẽ được công bố vào tháng 7 tới và các bên sẽ soạn thảo một văn bản cho thỏa thuận này trong tháng tới.
Khi đến Vienna, Áo để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán vào ngày hôm nay, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng cho biết, tại vòng đàm phán tiếp theo, các bên sẽ bắt tay vào xây dựng một dự thảo thỏa thuận. Ông Zarif cũng cho rằng, các bên liên quan có thể đạt được một giải pháp khả thi cho vấn đề hạt nhân của Tehran trong những tháng tới nếu như thể hiện được thiện chí.
Về phía nhóm P5+1, Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó cũng bày tỏ tin tưởng các bên có thể cải thiện niềm tin ở nhau và đi đến một thỏa thuận lịch sử. Ông Obama nói: “Tôi đã từng nói với Tổng thống Rowhani rằng, chúng ta có thể giải quyết những bất đồng nghiêm trọng và củng cố lòng tin ở nhau và vượt qua trang lịch sử khó khăn trong mối quan hệ. Chúng tôi đang tham gia các cuộc đàm phán chuyên sâu với hi vọng tìm kiếm một giải pháp toàn diện nhằm giải quyết những mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran. Đây là cuộc đàm phán khó khăn song là tôi tin rằng đó là cơ sở cho một giải pháp thiết thực”.
Đây đã là vòng đàm phán cấp cao thứ 3 giữa Iran và nhóm P5+1 kể từ đầu năm tới nay và các bên đang cố gắng hướng tới thỏa thuận toàn diện để đạt được giải pháp lâu dài cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ qua của Iran.
Các bên đang phải chịu những sức ép rất lớn từ nhiều phía để hoàn thành nhiệm vụ này trước thời hạn ngày 20/7 tới. Bởi cho đến nay thỏa thuận hạt nhân tạm thời mà các bên đã đạt được hồi cuối năm 2013 đang bị cho là không mang lại những kết quả như mong muốn khi người dân Iran vẫn tiếp tục phàn nàn về những khó khăn kinh tế mà họ phải gánh chịu từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây./.