Đàm phán NAFTA tiến triển song thời hạn cuối năm nay là bất khả thi
VOV.VN - Mỹ, Canada và Mexico đã kết thúc 5 ngày tái đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), với những tiến bộ đáng kể.
Đây là vòng tái đàm phán thứ 3 Hiệp định NAFTA diễn ra tại thủ đô Ottawa của Canada, trong bối cảnh tranh cãi thương mại Mỹ-Canada phủ bóng đen lên những nỗ lực của các bên.
Ảnh minh họa: AP
Tuyên bố chung sau vòng đàm phán thứ 3 cho biết các bên đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực thông qua việc hợp nhất các văn bản đề xuất, thu hẹp khoảng cách và nhất trí với các yếu tố của văn bản dự thảo NAFTA mới.
Trong đó, Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được thoả thuận cuối cùng về vấn đề Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong phiên bản NAFTA mới, đồng thời đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực như viễn thông, chính sách cạnh tranh, thương mại kỹ thuật số, hải quan và thuận lợi hoá thương mại.
Ngoài ra, các bên cũng đã trao đổi những quan điểm bước đầu về tiếp cận thị trường trong mua sắm chính phủ, vấn đề năng lượng và quyền của người bản địa.
Phát biểu tại buổi lễ công bố tuyên bố chung, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng vẫn còn những ‘vấn đề khó khăn”. Song, bà cũng khẳng định việc các bên đạt được nhất trí về chương đầu tiên trong phiên bản NAFTA mới là một kết quả rất đáng khích lệ, nhất là xét trong bối cảnh giữa các bên có quá nhiều điểm khác biệt và chịu sức ép rất lớn về thời gian trong suốt tiến trình đàm phán.
“Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận thực chất để giải quyết nhiều vấn đề. Song vẫn phải thừa nhận rằng vẫn còn những vấn đề khó khăn khác mà các bên phải đối mặt ở phía trước”, ông Chrystia Freeland nói.
Cũng tại buổi lễ công bố tuyên bố chung, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của các đoàn đàm phán và những kết quả khích lệ mà các bên đã đạt được.
Tất nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, giữa các bên vẫn còn bất đồng khá lớn trong những vấn gây tranh cãi nhất như về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, quy tắc xuất xứ sản phẩm, tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô sản xuất và tiêu thụ ở Bắc Mỹ... Đại diện Thương mại Mỹ cũng đồng tình với nhận định của Ngoại trưởng Canada về những vấn đề khó khăn mà các bên đang phải đối mặt.
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, các bên phải giải quyết những vẫn đề khó khăn và gây tranh cãi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Chúng cam kết sẽ tái đàm phán với nỗ lực tái sinh ngành công nghiệp Mỹ và đảm bảo sự tiếp cận thị trường tương xứng cho người nông dân và doanh nghiệp Mỹ”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal, những thách thức lớn vẫn đang chờ đợi các bên tại vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra tại Washington, Mỹ, từ ngày 11-15/10 tới. 3 nước đang phải chạy đua với thời gian để đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ đã tồn tại trong 23 năm qua, bất chấp việc giới chuyên gia thương mại cho rằng thời hạn cuối năm nay là “bất khả thi”.
Các cuộc tái đàm phán NAFTA được tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông cho rằng Hiệp định này cướp đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ và trao cho Canada, Mexico nhiều lợi thế hơn nước Mỹ. Tổng thống Trump muốn có được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay theo cam kết đề ra khi tranh cử. Mexico cũng muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán trước khi tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào giữa năm sau.
Phía Canada và Mexico đã chỉ trích chính quyền của ông Trăm khi không chỉ ra được những vấn đề khúc mắc lớn nhất trong NAFTA hiện hành. Trong khi cuộc tái đàm phán không hề dễ dàng thì quyết định áp thuế chống bán phá giá sơ bộ của Mỹ đối với tập đoàn sản xuất máy bay Bombardier của Canada đang phủ bóng lên những nỗ lực cuối cùng của các bên.
Động thái của Mỹ không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Canada, mà tạo ra những quan ngại sâu sắc cho 2 nước còn lại, nhất là về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quy định trong Chương 19 NAFTA mà Mỹ muốn huỷ bỏ.
Song, đây cũng là minh chứng rõ ràng với Canada và Mexico về việc cần duy trì Chương 19 trong NAFTA, một cơ chế quan trọng cho phép ba nước giải quyết tranh chấp ở cơ quan trọng tài khu vực, để tránh nguy cơ rơi vào các cuộc chiến tranh thương mại khó có hồi kết./.
Mỹ sớm bắt đầu đàm phán lại Hiệp ước NAFTA với Mexico và Canada