Dân Philippines muốn thoát khỏi "thành phố chết" Tacloban
VOV.VN - Không khí chết chóc bao trùm toàn thành phố Tacloban, nơi gần như bị phá hủy hoàn toàn sau siêu bão.
Tang thương, tan hoang và thất vọng là những từ có thể sử dụng khi nói về Tacloban - thành phố với 220.000 dân của Philippines, nơi gánh chịu nhiều thiệt hại nhất do siêu bão Haiyan gây ra.
Người dân xếp hàng chờ sơ tán khỏi Tacloban (Ảnh: AFP) |
Tính đến nay đã 7 ngày sau khi trận bão Haiyan tràn vào Philippines. Trong khi các nguồn cứu trợ từ nước láng giềng và tổ chức nhân đạo thế giới đã đến được với nhiều người tại các địa phương khác thì đến nay số hàng cứu trợ vẫn chưa đến được với nhiều người dân thành phố Tacloban, tỉnh Leyte. Chỉ khoảng 20% người dân ở đây nhận được hàng cứu trợ.
Siêu bão đã phá hủy gần 90% cơ sở hạ tầng, nhà cửa của thành phố Tacloban. Hàng chục nghìn người dân phải sống trong cảnh không nhà, thiếu nước sạch, thực phẩm, không điện... Các cửa hàng, chợ, siêu thị hầu như không hoạt động. Quân đội đã được tăng cường khắp thành phố để đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy vậy, do số lượng người dân đói khát quá lớn nên đã xảy ra tình trạng hôi của, cướp giật, thậm chí giết nhau để giành giật từng gói thực phẩm, bình nước... Theo một số nguồn tin, đã có 8 người bị xô đẩy đến chết do sập tường khi xảy ra tình trạng cướp bóc hàng hóa tại một kho lương thựccủa chính phủ ở thị trấn Alangalang.
Đích thân một quan chức của Liên Hợp Quốc phải xuống tận nơi, thuyết phục thị trưởng thành phố Tacloban đi vận động các cửa hàng bán xăng mở cửa bán nguyên liệu cho các xe vận chuyển hàng cỡ lớn tiếp cận được với thành phố. Dù xăng tại các cây vẫn đầy, nhưng người bán hàng từ chối mở cửa bán vì sợ trộm cướp và trấn lột.
Ông Romualdez - thị trưởng tỉnh Leyte thậm chí đã khuyên người dân nên tự bay sang các vùng khác có người thân và họ hàng để tìm chỗ ở và lương thực, vì hiện tại chính quyền địa phương không thể cung cấp đủ thức ăn cho họ cũng như ổn định trật tự xã hội.
Bao trùm lên thành phố là bầu không khí đậm đặc mùi chết chóc. Cho đến nay, chính quyền thành phố chưa thể thống kê chính xác số người thiệt mạng sau siêu bão Haiyan bởi dưới các đống đổ nát khổng lồ chưa được dọn dẹp vẫn còn mắc kẹt không biết bao người. Đến nay, các thi thể đã bắt đầu phân hủy và bốc mùi nghiêm trọng.
Ngăn ngừa dịch bệnh trở thành một nhiệm vụ quan trọng cần phải giải quyết cùng với việc phân phát hàng cứu trợ cho người dân. Để giải quyết tình trạng thi thể nằm vương vãi khắp nơi trong thành phố, dễ gây bùng phát dịch bệnh, các địa phương tại đây đã nghĩ ra phương án đào một hố chôn tập thể để tạm thời giữ vệ sinh chung.
Trước tình trạng bất ổn của thành phố, nhiều người dân Tacloban tiếp tục đổ về sân bay, với hy vọng rời xa “thành phố chết” càng sớm càng tốt. Một phụ nữ bày tỏ: “Tôi đã đăng ký với nhà chức trách từ đêm qua song đến nay tôi vẫn chưa đi được. Chúng tôi cứ phải đi đi lại lại ở đây trong hai ngày nay. Tôi rất thương cho con tôi. Chúng tôi thậm chí không có nước để uống”.
Các chuyến bay bằng máy bay vận tải quân sự được sử dụng để di tản những người dân bị bệnh nặng, trẻ nhỏ ra khỏi thành phố. Những dòng người vẫn không ngừng đổ về khiến khu vực sân bay trở nên quá tải.
Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục hướng về Philippines. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: các nhóm tình nguyện đến từ Bỉ, Nhật Bản, Israel và Na Uy cùng với nhiều nước khác hiện đã tới Philippines để xây dựng các bệnh viện dã chiến hỗ trợ người dân.
Ngày 13/11, Chính phủ Israel đã cử một đoàn gần 150 chuyên gia tới Philippines, với mục đích xây dựng một bệnh viện dã chiến tại đây. Ông Golan Vach, một quan chức Israel cho biết: “Ưu tiên đầu tiên của chúng tôi là cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân Philippines, đặc biệt là tại các đảo Cebu, thành phố Bogor và Medellin. Nhiệm vụ thứ hai của chúng tôi là cung cấp các hỗ trợ dân sự như giải pháp làm sạch nguồn nước uống, giải pháp chỗ ở cho người dân và các giải pháp cần thiết khác”.
Cuộc sống của hơn 8 triệu người tại 43 tỉnh của Philippines đã bị ảnh hưởng. Khoảng 534.000 người đã phải đi sơ tán và hơn 359.000 người khác vẫn đang phải sống tạm trong các trung tâm sơ tán. Đến nay, nhiều người dân tại các tỉnh miền Trung Philippines vẫn phải sống trong cảnh mất điện. Các dịch vụ viễn thông mới chỉ được khôi phục khoảng 88% tại tỉnh Aklan, 65% tại tỉnh Capiz và 94% tại tỉnh Antique./.