Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/7
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 2/7.
Mỹ chuyển cho Ukraine 2 hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS, 4 radar chống pháo và khoảng 150.000 đạn pháo 155mm như một phần trong gói viện trợ vũ khí mới nhất cho Ukraine. Số vũ khí này nằm trong gói hỗ trợ trị giá khoảng 820 triệu USD cho Ukraine được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha).
Một quan chức quốc phòng cấp cao tiết lộ, hệ thống radar chống pháo AN/TPQ-37 do Raytheon-Technologies sản xuất sẽ được gửi cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên các hệ thống này được gửi tới Ukraine. AN/TPQ-37 có tầm hoạt động gấp 3 lần các hệ thống AN/TPQ-36 đã gửi trước đó.
Áp lực của phương Tây thúc đẩy Nga và Belarus đẩy nhanh quá trình hội nhập, Tổng thống Putin khẳng định trong bài phát biểu qua video gửi tới các đại biểu tham dự diễn đàn về các khu vực của Nga và Belarus.
Theo Tổng thống Putin, Nga và Belarus đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện các chương trình hội nhập, đã hoàn thành gần 40% kế hoạch hội nhập giai đoạn 2021-2023 và các chương trình hội nhập mới cho giai đoạn 2024-2026 hiện đang được soạn thảo.
Mỹ vượt Nga về khí đốt xuất khẩu sang EU. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, trong tháng 6, khối lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ vận chuyển sang EU nhiều hơn lượng khí đốt của Nga vận chuyển bằng đường ống sang lục địa này. Việc tăng cường nhập khẩu LNG của Mỹ diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Nga quốc hữu hóa dự án Sakhalin-2 để đáp trả trừng phạt. Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh về các biện pháp đặc biệt trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng liên quan đến các hành động không thân thiện của các nước ngoài. Theo văn bản này, cổ phần của các công ty nước ngoài trong Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng Sakhalin sẽ được chuyển giao cho một công ty do chính phủ Nga thành lập.
Nga cáo buộc NATO bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko phát biểu tại một phiên họp của câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai. Ông nhấn mạnh, rất khó để nói những nỗ lực chính trị tập trung nào sẽ được yêu cầu hoặc những sự kiện gay cấn nào có thể xảy ra trong lĩnh vực an ninh quân sự ở châu Âu để phá vỡ vòng xoáy nguy hiểm mà NATO đang lôi kéo không chỉ toàn bộ châu Âu, mà bây giờ là cả thế giới”.
>>> Tiêu hao nguồn lực cho cuộc chiến Nga-Ukraine, Mỹ và NATO đối mặt 2 mối nguy lớn
EU chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp về năng lượng cho mùa đông tới. Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố tại cuộc họp báo với Thủ tướng Séc - nước vừa nhận chức chủ tịch luận phiên khối này trong tháng 7.
Phát biểu với báo giới Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, kế hoạch chi tiết sẽ được công bố trong tháng này: “Giờ là thời kỳ tương đối khó khăn khi Nga đã cắt giảm một phần khi đốt cho Liên minh châu Âu và chúng ta phải chuẩn bị ứng phó. Cùng với Séc, chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp cho châu Âu”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger chỉ ra 3 kịch bản trong cuộc chiến ở Ukraine. Kịch bản đầu tiên sẽ là nếu Nga duy trì tình trạng như hiện nay, nước này sẽ kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine và hầu hết Donbass - một khu vực quan trọng về nông nghiệp và công nghiệp, cùng với một dải đất dọc Biển Đen.
Kịch bản thứ hai là "một nỗ lực được thực hiện nhằm đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát được trước cuộc chiến, bao gồm cả Crimea và nguy cơ một cuộc chiến giữa Nga và phương Tây nổ ra sẽ tăng lên nếu chiến tranh tiếp tục.
"Kịch bản thứ ba là nếu có thể ngăn chặn Nga đạt được các thành quả quân sự và nếu cục diện quay về hiện trạng trước khi cuộc chiến bắt đầu thì sau đó những hành vi gây hấn sẽ bị đánh bại".
Nghị sĩ Mỹ nói Washington nên rút khỏi NATO thay vì cung cấp hàng tỷ USD tiền thuế của người dân cho Ukraine và đối mặt với rủi ro của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
“Người Mỹ không muốn chiến tranh với Nga nhưng NATO và các nhà lãnh đạo của liên minh này đang kéo chúng ta vào một cuộc chiến. Chúng ta nên rút khỏi NATO”, nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Georgia, Marjorie Taylor Greene cho hay. Bà Greene cũng gọi việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine - động thái bà bỏ phiếu phản đối tại Quốc hội, là một "cuộc chiến ủy nghiệm" chống lại Nga mà Mỹ không mong muốn.
>>> Tổng thống Nga Putin thừa nhận đã tạo cơ hội cho NATO mở rộng
Lầu Năm Góc nêu lý do Nga rút khỏi đảo Rắn. Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ lý do Nga rút khỏi đảo Rắn – hòn đảo nhỏ có tầm quan trọng chiến lược ở Biển Đen.
Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc Nga quyết định rút khỏi đảo Rắn ở Biển Đen là do sức ép đáng kể từ lực lượng Ukraine cũng như việc triển khai tên lửa Harpoon mà Kiev nhận được gần đây. Quan chức này cũng thừa nhận việc quân đội Nga rút khỏi đảo Rắn không phải là “liều thuốc giải” cho Ukraine, nhưng có thể giúp Kiev dễ dàng bảo vệ Odessa khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng và tạo điều kiện mở các hành lang trên biển.
Ukraine đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ bắt tàu chở ngũ cốc treo cờ Nga. Trong một lá thư đề ngày 30/6 gửi Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, Văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết, tàu Zhibek Zholy liên quan tới việc “xuất khẩu trái phép ngũ cốc Ukraine” từ cảng Berdyansk và đã lên đường tới Karasu, Thổ Nhĩ Kỳ với khoảng 7.000 tấn hàng hóa. Văn phòng công tố Ukraine đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “kiểm tra con tàu, thu các mẫu ngũ cốc để giám định, đề nghị cung cấp thông tin về xuất xứ số ngũ cốc này”. Phía Ukraine cũng sẵn sàng tiến hành điều tra chung với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chỉ có thể loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an nếu Liên Hợp Quốc tan rã", Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nhận định.
Bình luận về lời kêu gọi loại Nga khỏi tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra, ông Dmitry Polyansky cho biết những nhận định này không đáng được xem xét nghiêm túc. "Vốn dĩ mọi người đều hiểu rằng kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu Liên Hợp Quốc tan rã và tạo ra một tổ chức mới", nhà ngoại giao Nga bình luận.
Nga ngừng tham gia các thỏa thuận của Hội đồng Châu Âu. Theo văn bản do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ngày 28/6 đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý, Nga rút khỏi nhóm hợp tác quốc tế về ma túy và lệ thuộc, Quỹ châu Âu hỗ trợ sản xuất phim chung và phân phối các tác phẩm Điện ảnh và Nghe nhìn “Eurimage” và Đài quan sát Nghe nhìn Châu Âu.
Lực lượng thân Nga tuyên bố bao vây hoàn toàn thành phố Lysychansk. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Andrei Marotchka, người phát ngôn lực lượng thân Nga cho biết: “Hôm nay các lực lượng dân quân Lugansk và các lược lượng Nga đã chiếm được các cao điểm chiến lược cuối cùng, cho phép chúng tôi xác nhận Lysychansk đã hoàn toàn bị bao vây”.
Việc giành được nốt Lysychansk sẽ là một bước tiến quan trọng của quân đội Nga trong việc kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk và xa hơn là toàn bộ miền Đông Ukraine.
Thêm 2 lính đánh thuê người Anh ở Ukraine có thể đối mặt án tử hình. Một hãng thông tấn của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết, hai công dân Anh, gồm Andrew Hill ở Plymouth và Dylan Healy ở Huntingdon còn bị buộc tội “cưỡng đoạt quyền lực” và thực hiện khóa huấn luyện “khủng bố”.
Andrew Hill, người được cho là đã từng phục vụ trong trung đoàn Lancaster của quân đội Anh, lần đầu tiên được chiếu trên truyền hình Nga sau khi bị bắt vào cuối tháng 4. Trong khi đó, Dylan Healy, được cho là làm việc với tư cách là một tình nguyện viên viện trợ nhân đạo ở Ukraine./.