Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 9/7
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 9/7.
Thổ Nhĩ Kỳ trao trả 5 chỉ huy Azov cho Ukraine, Nga nói gì? Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/7 cho biết, việc cho phép các cựu chỉ huy của tiểu đoàn Azov trở về Ukraine là “vi phạm trực tiếp” thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2022. Nga đã không được thông báo đầy đủ về việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bàn giao 5 chỉ huy Azov cho Ukraine.
Theo ông Peskov, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã “buộc” phải thực hiện động thái này trước hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius, đồng thời cho biết thêm giới lãnh đạo Ankara phải thể hiện “sự đoàn kết” với khối quân sự và Moscow “nhận thức rõ” về điều đó.
Trước đó cùng ngày, 5 chỉ huy Azov từng bị bắt giữ trước đó đã bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Ukraine trên chuyên cơ của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Đồng minh lo ngại việc Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine. Canada và Vương quốc Anh bày tỏ lo ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp bom chùm cho Ukraine. “Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom chùm. Ottawa cam kết chấm dứt ảnh hưởng của bom chùm đối với dân thường” đặc biệt là trẻ em”, tuyên bố của chính phủ Canada được trích dẫn trên đài truyền hình quốc gia CTV ngày 8/7 nêu rõ.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng nhấn mạnh, London cũng không ủng hộ việc sử dụng bom chùm. “Vương quốc Anh là một bên ký công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng” ông Sunak cho biết, đồng thời khẳng định, London sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thông qua các biện pháp khác.
Nga bắn hạ máy bay Su-27 của Ukraine ở vùng Kherson. Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và đánh chặn 6 quả tên lửa HIMARS trong 24 gờ, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết ngày 8/7.
Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy 17 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tại các khu vực gần các khu định cư Verkhnekamenka (Cộng hòa Nhân dân Lugansk), Maryinka, Volodino (tại DPR), Ostrikovka, Shirokoye, Mirnoye (tại Zaporizhzhia), Novaya Mayachka, Novaya Kakhovka, Malokakhovka, Ulyanovka (Vùng Kherson) và Volfino (Vùng Suma).
Ukraine gặp khó khăn với xe tăng Challenger 2 vì yêu cầu của Anh. Theo nhà phân tích quân sự độc lập Drago Bosnic (người Serbia), phía Anh hiện đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Kiev rằng sẽ không có chiếc Challenger 2 nào do Anh cung cấp được sử dụng trong các hoạt động mạo hiểm, vì sợ rằng chúng sẽ bị quân đội Nga phá hủy hoặc thu giữ.
Ông Bosnic cho hay, phía Anh có yêu cầu đặc biệt về kho chứa để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa khiến Challenger 2 trở thành mục tiêu. “Với suy nghĩ này, việc sử dụng các loại xe tăng hạng nặng hơn do phương Tây sản xuất như Challenger 2 (và các loại thiết giáp khác có nguồn gốc từ NATO) đã được chứng minh là không chỉ vô dụng về mặt quân sự đối với Kiev, mà còn khá nguy hiểm đối với lính Ukraine”, ông Bosnic cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu giám sát binh sỹ tập trận. Trong một tuyên bố ngày 8/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ông Sergey Shoigu đã kiểm tra “việc tổ chức huấn luyện chiến đấu cho các binh sĩ hợp đồng trong các đơn vị quân đội mới thành lập” tại các cơ sở huấn luyện của Quân khu miền Nam, nhưng không nêu địa điểm chính xác.
Các quân nhân được hướng dẫn về chiến thuật và cách sử dụng vũ khí, xe tăng và tập trung vào cách phá hủy các khí tài do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Toàn bộ khóa huấn luyện chiến đấu tăng cường kéo dài 38 ngày, bao gồm các bài tập tác chiến đô thị và trong chiến hào.
Ukraine bất ngờ rút khỏi các vị trí ở vùng Zaporizhzhia. Ông Vladimir Rogov, một quan chức cấp cao của chính quyền khu vực Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm cho biết quân đội Ukraine đã rời khỏi vị trí gần làng Pyatikhatki. “Đối phương đã hoàn toàn rời bỏ các vị trí gần làng Pyatikhatki. Họ bất ngờ rút đi”, ông Rogov nói.
Ông Rogov nhận định, lý do Ukraine rút lui có thể là luân chuyển hoặc tập hợp lại để tấn công theo hướng khác. “Thời gian sẽ trả lời vì sao họ rời bỏ vị trí của mình, nhưng họ đã chịu tổn thất rất nặng nề”.
Họp thượng đỉnh sát Nga và Belarus, NATO biến Litva thành pháo đài. Theo Reuters, 16 đồng minh NATO đã gửi tổng cộng khoảng 1.000 binh sĩ tới Litva để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 11-12/7 ở Vilnius. Đức đã triển khai 12 hệ thống phóng tên lửa Patriot, dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hoặc máy bay chiến đấu. Trong khi đó, Tây Ban Nha đã triển khai hệ thống phòng không NASAMS, Pháp đang gửi pháo tự hành Caesar. Pháp, Phần Lan và Đan Mạch đều cử các máy bay quân sự đến Litva. Vương quốc Anh và Pháp cũng cung cấp khả năng chống UAV.
Tại sân bay Vilnius, 8 bệ phóng tên lửa Patriot hướng về phía khu vực Kaliningrad của Nga. Hai bệ phóng khác hướng về phía Belarus. Tất cả các bệ phóng đã được đưa vào vận hành từ sáng 7/7.
Ukraine thừa nhận tấn công cầu Crimea để phá vỡ tuyến hậu cần của Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thừa nhận, chính quyền ở Kiev đã thực hiện cuộc tấn công cầu Crimean vào mùa thu năm 2022.
“273 ngày kể từ khi chúng tôi giáng đòn đầu tiên vào cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga”, bà Maliar đăng tải trên Telegram ngày 8/7.
Trước đó, chính quyền Ukraine không chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công cây cầu dài 19 km - dài nhất châu Âu nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar của Nga.
Phản ứng của Nga sau khi Ukraine thừa nhận tấn công cầu Crimea. Bộ Ngoại giao Nga đã gọi chính quyền Ukraine là "chế độ khủng bố" sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thừa nhận Kiev tấn công cầu Crimea vào mùa thu năm 2022.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc: “Bây giờ họ (Ukraine - ND) đã bắt tay vào kế hoạch tự cứu lấy mình bằng cách gây tổn thất có hệ thống cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.
Séc cung cấp trực thăng và huấn luyện sử dụng F-16 cho Ukraine. Trong thông báo mới đây, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết nước này sẽ chuyển giao máy bay trực thăng và tham gia chương trình huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16.
Trên trang cá nhân của mình, Thủ tướng Séc cho biết nước này là một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Cộng hòa Séc đã gửi khoảng 680 thiết bị hạng nặng và hơn 4 triệu viên đạn cỡ vừa và lớn tới Ukraine. Thời gian tới, Cộng hòa Séc sẽ tiếp tục cung cấp hàng trăm nghìn viên đạn cỡ lớn, các thiết bị mô phỏng để giúp đào tạo phi công Ukraine.