Điều gì xảy ra nếu Mỹ không tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine trong xung đột với Nga?
VOV.VN - Trong khi thời gian cho một thỏa thuận đang cạn kiệt dần giữa bối cảnh đảng Cộng hòa chưa thông qua gói hỗ trợ mới cho Ukraine thì Nhà Trắng, Kiev và các chuyên gia cảnh báo, nếu ngân sách hỗ trợ cạn kiệt, Ukraine sẽ thua trong cuộc xung đột với Nga.
Tuần vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng phá thế bế tắc trong Quốc hội về gói ngân sách hỗ trợ Ukraine và Israel trị giá 111 tỷ USD khi nói rằng ông sẵn sàng "nhượng bộ đáng kể về vấn đề biên giới" - một khía cạnh đảng Cộng hòa khăng khăng phải đi cùng các gói hỗ trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện vấn đề trên vẫn chưa đạt được tiến triển.
Các nhà đàm phán đảng Cộng hòa đã yêu cầu các chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn, mâu thuẫn với chương trình nghị sự của chính quyền hiện tại nhưng với việc cuộc xung đột Ukraine là một khía cạnh chính trong chính sách đối ngoại của ông Biden, đảng Dân chủ và Nhà Trắng có thể phải nhượng bộ,
Trong khi tập trung vào vấn đề biên giới, việc đảng Cộng hòa phản đối gói hỗ trợ nước ngoài trên còn phản ánh một tâm lý ngày càng gia tăng trong các cử tri của đảng này. Một cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 được công bố vào tuần trước cho thấy, 48% hay gần một nửa những người được hỏi nghĩ rằng Mỹ đang cung cấp cho Ukraine quá nhiều tiền.
Một số nhà quan sát nhận định, đây là một tình huống phức tạp và bị chính trị hóa khi một vài nhân vật chính trị nắm giữ vận mệnh của Ukraine trong tay.
Tình hình cam go đến mức Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm Washington ngày 12/12 để kêu gọi nhiều sự hỗ trợ hơn. Ông gặp cả Tổng thống Biden và các lãnh đạo Quốc hội.
Trong khi tiến trình đàm phán chững lại, Nhà Trắng cảnh báo, việc không thể thông qua gói hỗ trợ bổ sung vào cuối năm 2023 có thể là thảm họa cho Ukraine.
Các chuyên gia cũng có cùng mối lo ngại khi nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của tình hình.
"Nếu phương Tây cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine, Nga sẽ giành chiến thắng", George Barros, nhà quan sát chuyên theo dõi xung đột và là một nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định với Business Insider.
Trong khi hầu hết các nước NATO đóng góp vào sự hỗ trợ cho Ukraine thì Mỹ chiếm tỷ lệ lớn và thường dẫn đầu về các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, sự ủng hộ cho Ukraine trong các nước phương Tây đã giảm mạnh từ tháng 8/2023.
"Các hỗ trợ mới được cam kết đã ở mức thấp kỷ lục từ tháng 8 - 10/2023 khi giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022. Ukraine hiện ngày càng phụ thuộc vào nhóm các nhà tài trợ hạt nhân như Mỹ, Đức, các nước Bắc Âu và Đông Âu - những quốc gia vẫn tiếp tục cam kết và cung cấp hỗ trợ tài chính cũng như các vũ khí quan trọng như tiêm kích F-16", Viện Kiel cho hay trong một cập nhật gần đây.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện đang rơi vào tình thế bế tắc. Cả hai nước đã giao tranh trong nhiều tháng, đòi hỏi số lượng lớn nhân lực và vật lực. Ukraine vẫn trong tình thế bị đối phương áp đảo đáng kể. Kiev thiếu nhân lực, hỏa lực và tài chính để duy trì khả năng chiến đấu ở mức độ cần thiết. Mặc dù Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu nhưng các nhà quan sát cho rằng không có gì đảm bảo điều này sẽ duy trì nếu không có sự hỗ trợ bổ sung.
Với việc cuộc phản công của Ukraine đi đến hồi kết và các mục tiêu mà nước này tuyên bố không đạt được, đã có những câu hỏi đặt ra về việc Kiev sẽ cần gì để tiếp tục chiến đấu trong mùa đông.
“Đó không phải là kết quả của những thực tế cơ bản trong chiến tranh hiện đại mà chỉ có thể thay đổi bằng một cuộc cách mạng công nghệ hoặc chiến thuật, như sự bế tắc của Thế chiến I”. Nó cũng không dựa trên sự ngang bằng lâu dài về năng lực quân sự giữa Nga và Ukraine, điều sẽ tiếp tục vô thời hạn, bất chấp sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev", ông Barros cho hay.
Tình hình hiện tại xảy ra do sự hạn chế của cả hai bên: Phương Tây tự đặt ra giới hạn vào những gì họ sẽ cung cấp cho Ukraine và Tổng thống Putin do dự trong việc đưa toàn bộ ngành công nghiệp và xã hội nước này tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“Trên thực tế, cán cân hiện tại rất không ổn định và có thể dễ dàng bị nghiêng theo một trong hai hướng do các quyết định được đưa ra ở phương Tây”, ông Barros nhận định với Business Insider.
Các chuyên gia khác cũng có chung cảm nhận. Cuối tuần qua, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska nói rằng tình hình hiện tại phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có muốn tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine hay không.