Đối thoại Nga - phương Tây: Hạ nhiệt căng thẳng hay khơi mào xung đột?
VOV.VN - Khẳng định thiện chí đối thoại nhưng cũng không quên đặt ra các lằn ranh đỏ nguy hiểm là tuyên bố của các bên đưa ra trước thềm hàng loạt cuộc họp đang được lên kế hoạch trong tuần tới giữa Nga và phương Tây.
Dư luận đang chờ đợi liệu các cuộc đối thoại sắp tới có thể hạ nhiệt được cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây hay khơi mào cho các hành động quân sự mới giữa các bên?
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra từ 10-13/1 với 3 cuộc họp chính. Cụ thể, ngày 10/1 đàm phán về an ninh chiến lược Nga - Mỹ, ngày 12/1 diễn ra hội nghị giữa Hội đồng NATO - Nga và ngày 13/1 là hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với sự tham dự của Nga, Mỹ và một số nước châu Âu. Theo một số nguồn tin ngọai giao, trọng tâm cuộc gặp thảo luận về đề xuất bảo đảm an ninh của Nga, mối lo ngại các hoạt động quân sự của các bên cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sau những căng thẳng gia tăng, phía Nga tham gia đối thoại với hi vọng bắt đầu một quá trình mang lại cho Nga những đảm bảo an ninh mới từ phương Tây. Không đặt ra thời điểm cụ thể, Nga khẳng định mong muốn có kết quả ngay lập tức trong các cuộc đối thoại an ninh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định mục tiêu.
“Trong các cuộc đàm phán, chúng tôi sẽ tìm kiếm sự đảm bảo pháp lý vững chắc về an ninh từ phía Mỹ, cụ thể là NATO sẽ không di chuyển về phía Đông và các hệ thống vũ khí đe dọa Nga sẽ không được triển khai gần biên giới của chúng tôi”.
Trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua khẳng định có thể đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán ngoại giao vào tuần tới giữa các quan chức Mỹ, châu Âu và Nga, nhưng đó phải là "con đường hai chiều" với việc Nga giảm căng thẳng về tình hình Ukraine. Ông Blinken nhắc lại rằng, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng giải quyết bất kỳ "mối quan ngại chính đáng nào" của Nga, nhưng cảnh báo việc Nga đang cố gắng lôi kéo NATO vào một cuộc tranh luận nhằm đánh lạc hướng về các hành động quân sự gần đây của Nga. Hàng loạt các cảnh báo cũng được các bên đưa ra nhằm vào Nga nếu các cuộc đối thoại thất bại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng ta cần chuẩn bị cho các cuộc đối thoại đổ vỡ và nỗ lực ngoại giao thất bại. Đó chính là thông điệp rõ ràng gửi tới Nga nếu họ một lần nữa sử dụng lực lượng quân sự nhằm vào Ukraine với các hậu quả nghiêm trọng và cái giá cao phải trả. Trừng phạt kinh tế, tài chính và chính trị - Đó là thông điệp của chúng tôi”.
Mặc dù cảnh báo cứng rắn đưa ra trước thềm đối thoại thường được coi là chiến thuật trong đàm phán, nhưng rõ ràng cả Nga và phương Tây đều đặt cược uy tín và an ninh cho các vòng đối thoại này. Các yêu cầu trong đề xuất an ninh của Nga đưa ra mới đây thực tế đã nhiều lần được nêu ra, nhưng chưa được “lắng nghe”.
Hiện tại Nga không còn sự lựa chọn nào khác để bảo vệ lợi ích sống còn của mình, chỉ còn một cách là ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của NATO. Trong khi đó, bất kỳ sự nhượng bộ nào của NATO và Mỹ đối với Nga cũng sẽ là thất bại rất lớn về địa chính trị của phương Tây đối với Nga. Chính vì vậy, đây sẽ là vật cản lớn trên con đường đi đến sự thỏa hiệp giữa hai bên trong các cuộc đối thoại./.