Dòng người tị nạn đầu tiên được châu Âu tiếp nhận
VOV.VN - Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên EU chia sẻ gánh nặng trong tiếp nhận 120.000 người tị nạn
Không phải thành viên của Hiệp ước Schengen nên Anh không liên quan đến việc phân bổ hạn ngạch mà Liên minh Châu Âu vừa đưa ra cho các nước thành viên. Thế nhưng, để thể hiện sự "sát cánh" cùng Liên minh Châu Âu trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư lịch sử này, Chính phủ Anh cam kết sẽ tự nguyện tiếp nhận 20.000 người tị nạn Syria đang sống trong các lều trại tại Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm tới theo kế hoạch "Tái định cư cho những người dễ bị tổn thương".
Người tị nạn Syria chuẩn bị lên xe buýt để đi đến Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh AP). |
Quyết định trên được Chính phủ Anh đưa ra nhằm đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với các nước thành viên Liên minh Châu Âu nhằm chia sẻ gánh nặng trong tiếp nhận 120.000 người nhập cư.
Theo thỏa thuận mới nhất giữa Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh Châu Âu, khoảng 66.000 người trong tổng số 120.000 người đã được cấp quy chế tị nạn sẽ được tái bố trí từ Hy Lạp và Italy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 54.000 người còn lại, từng bị Hunggary từ chối tiếp nhận, sẽ được tái phân bổ. Kế hoạch phân bổ hạn ngạch vừa được thông qua là bắt buộc đối với toàn bộ 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu .
Sự kiện các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh Châu Âu đạt được thỏa thuận về vấn đề người nhập cư ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của lãnh đạo Liên minh Châu Âu diễn ra sáng nay (giờ Việt Nam) có ý nghĩa quan trọng.
Pháp tuyên bố sẽ đón nhận khoảng 1.000 người tị nạn nhằm hỗ trợ cho Đức đối phó với làn sóng di cư đang đổ về đây và 24.000 người tị nạn khác trong các năm 2016 - 2017. Tây Ban Nha mạnh dạn khẳng định sẽ tiếp nhận không giới hạn người di cư, nhưng đòi hỏi Liên minh Châu Âu phải sớm đưa ra quyết định rõ ràng về vấn đề này. Các nước Phần Lan, Đan Mạch… cũng có nhiều động thái tích cực giúp đỡ dòng người di cư đang đổ từ Hungary sang Áo và Đức…
Thế nhưng, không phải các quốc gia trong khối đều nhất trí giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay. Nhiều nước Liên minh châu Âu khác lại cho rằng không nên phân bổ hạn ngạch mà chỉ nên nhận người tị nạn trên cơ sở tự nguyện.
Hôm qua, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố, Slovakia sẽ có hành động pháp lý phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt hạn ngạch phân bổ 120.000 người tị nạn cho các quốc gia thành viên nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ.
Thủ tướng Fico nhấn mạnh, Slovakia sẽ không triển khai quyết định của Liên minh châu Âu và sẽ kiện lên Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu tại Lucxembourg về quyết định này. Đây là cơ quan chuyên giải quyết các tranh cãi về cách thức hiểu và thực thi các đạo luật của Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Fico nêu rõ quan điểm của Slovakia rằng việc áp đặt các hạn ngạch như trên là không thực tế, đồng thời gọi kế hoạch áp hạn ngạch vừa được thông qua là “điều luật của số đông”.
Ông Fico nói: "Chừng nào tôi còn là thủ tướng, hạn ngạch bắt buộc sẽ không được thực hiện trên lãnh thổ Slovakia. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để những người đưa ra những quyết định này phải chịu trách nhiệm. Họ cố tình tạo sự chia rẽ sâu sắc trong lòng Liên minh châu Âu với một vấn đề quan trọng như di cư".
Còn Ireland nói họ không đủ khả năng tiếp nhận số người như phân bổ.
Trước đó, tối 22/9, các bộ trưởng nội vụ Liên minh Châu Âu với đa số phiếu ủng hộ đã thông qua kế hoạch tái phân bổ 120.000 người tị nạn hiện đang ở Hy Lạp và Italy tới các nước thành viên, bất chấp sự phản đối gay gắt của các quốc gia Trung và Đông Âu. Trong cuộc bỏ phiếu tại hội nghị bộ trưởng nội vụ Liên minh Châu Âu đêm 22/9, Slovakia cùng Cộng hòa Séc, Romania và Hungary đã bỏ phiếu chống./.