Dư luận thế giới về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
VOV.VN - Trước việc Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, dư luận thế giới đã lập tức có phản ứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran vào rạng sáng 9/5, theo giờ Việt Nam. Quyết định đơn phương của Mỹ tiềm ẩn nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới khi mà Iran đe dọa có thể nối lại các chương trình hạt nhân của mình. Dư luận tại Mỹ và cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng đối với quyết định này.
Ông Trump giới thiệu một văn bản mà ông ký tên, liên quan đến Iran. Ảnh: NBC News.
Ngay sau tuyên bố của ông Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cấp phó của ông là Joe Biden – những người từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran và 5 cường quốc còn lại – đã gọi đây là hành động “sai lầm nghiêm trọng”, làm tổn hại đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.
Theo cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ sẽ bị cô lập, người dân Mỹ tại khu vực sẽ ở trong thế “đối đầu” với Iran; trong khi đó quốc tế sẽ đồng cảm hơn với Iran thay vì lên án việc gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này tại khu vực. Ông Joe Biden nhận định, một thỏa thuận mới với Iran là “ảo tưởng” bởi quốc tế đã mất rất nhiều năm đàm phán mới có được một thỏa thuận như vậy.
Nhiều Nghị sĩ của Đảng Dân chủ Mỹ cũng tỏ ra “thất vọng” về quyết định của người đứng đầu đất nước. Họ cho rằng sẽ là sai lầm khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận mà không đưa ra được bằng chứng về việc Iran vi phạm thỏa thuận cũng như việc Washington không có một kế hoạch chi tiết cho một sự thay thế tốt hơn.
Về phía các đồng minh của Mỹ tại châu Âu; Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trên trang Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Các nước châu Âu sẽ hợp tác tập thể trong một khuôn khổ rộng hơn để kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Iran, giai đoạn sau 2025, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Yemen”.
Còn Liên minh châu Âu (EU) thì tỏ ra “thất vọng” đối với chính sách đơn phương của nước Mỹ, đồng thời khẳng định chừng nào Iran còn tuân thủ thoả thuận thì Liên minh châu Âu sẽ vẫn tham gia thoả thuận này. Đó cũng là lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Stephane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký luôn khẳng định, Thỏa thuận hạt nhân Iran đại diện cho một thành tựu lớn trong việc phi phổ biến hạt nhân và trong ngoại giao. Thỏa thuận đã đem lại hòa bình cho khu vực và quốc tế. Điều quan trọng là tất cả những lo ngại liên quan đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran cần được giải quyết thông qua các điều khoản của thoả thuận. Các vấn đề không liên quan trực tiếp tới thỏa thuận hạt nhân Iran nên được giải quyết mà không gây tổn hại tới việc bảo toàn thỏa thuận cũng như việc thực thi nó”.
Dù Israel tố cáo Iran, Châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran
Các quốc gia đồng minh châu Á của Mỹ như Nhật Bản và Australia đã đưa ra các phản ứng đầu tiên. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với các bên liên quan để duy trì thỏa thuận cũng như theo dõi sát các tác động ảnh hưởng từ quyết định mới nhất của chính quyền Mỹ. Còn Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tỏ ra “tiếc nuối” về quyết định đã được dự báo từ trước của Mỹ, đồng thời cũng kêu gọi các bên còn lại của thỏa thuận duy trì việc thực thi các cam kết.
Ông Turnbull nói: “Chúng tôi rất tiếc về quyết định của Mỹ mặc dù khả năng này đã được Tổng thống Donald Trump thông báo một thời gian dài trước đó. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tiếp tục tuân thủ thỏa thuận và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã ra tuyên bố “cứng rắn” trước quyết định đơn phương của Tổng thống Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận mang tính đa phương, đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 2231 năm 2015. Kế hoạch hành động theo thỏa thuận là thành tựu của toàn bộ cộng đồng quốc tế giúp tăng cường an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế, cũng như chế độ không phổ biến hạt nhân.
Phía Nga cho rằng Mỹ một lần nữa hành động ngược lại với quan điểm của phần lớn các nước trên thế giới. Vì các lợi ích mang tính chất “cơ hội và hẹp hòi”, Washington đã vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga hiện để ngỏ việc phối hợp với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương và đối thoại chính trị với quốc gia Trung Đông này. Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ gửi cảnh báo đến Triều Tiên?
Tại khu vực Trung Đông, đồng minh của Iran là Syria cũng đã có phản ứng về vụ việc này. Bộ Ngoại giao Syria cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump là một hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.
Nằm trong số ít các quốc gia ủng hộ quyết định của Mỹ, hai quốc gia đồng minh của Washington và cũng là “kình địch” của Tehran tại khu vực Trung Đông là Israel và Saudi Arabia đã đưa ra phản ứng tức thì. Saudi Arabia thông báo sẽ làm việc với Mỹ và quốc tế để giải quyết chương trình hạt nhân, tên lửa của Iran cũng như sự ảnh hưởng của quốc gia này tại khu vực. Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì coi quyết định rút ra khỏi thỏa thuận Iran của Mỹ là một bước đi “lịch sử” nhằm ngăn chặn Iran sở hữu được vũ khí hạt nhân.
Bất chấp nỗ lực “níu chân” từ các nước đồng minh châu Âu, Mỹ đã đưa ra một quyết định cuối cùng của mình, đưa vấn đề hạt nhân Iran trở lại vạch xuất phát khi quốc gia Trung Đông cảnh báo về khả năng nối lại các chương trình hạt nhân của mình nếu bị trừng phạt. Các bên tham gia còn lại ngoại trừ Mỹ đến nay vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân cho tới khi chừng nào còn có thể./.