Đức bất ổn khi chính phủ liên minh cầm quyền sụp đổ
VOV.VN - Chính trường Đức bất ổn sau khi Thủ tướng Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức, chấm dứt chính phủ liên minh 3 đảng do ông lãnh đạo kể từ năm 2021. Điều này đồng nghĩa Đức sẽ tổ chức bầu cử liên bang mới vào đầu năm tới.
Tính toán của Thủ tướng Olaf Scholz
Vì không có đa số ở Quốc hội Đức, Thủ tướng Olaf Scholz không còn hy vọng có thể thông qua bất cứ văn bản luật nào ở Nghị Viện. Để chấm dứt tình trạng này, Hiến Pháp của Đức dự trù một giải pháp: Nếu "thua" trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng có thể yêu cầu Tổng thống giải tán Quốc Hội. Đây cũng là phương pháp mà thủ tướng đảng Dân Chủ Xã hội (SDP), Gerhard Schröder, sử dụng vào năm 2005.
Thực trạng này bắt nguồn từ việc Liên minh 3 đảng của ông Olaf Scholz đã chính thức sụp đổ ngày 6/11 vừa qua. Việc sa thải Bộ trưởng Tài chính theo chủ nghĩa tự do Christian Lindner do những khác biệt không thể vượt qua về chính sách kinh tế và ngân sách, đã kéo theo đó là hầu hết các bộ trưởng Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đều từ chức. Thủ tướng mất đi sự ủng hộ và theo các cuộc thăm dò mới nhất, đảng SPD của ông thấp hơn 15 điểm so với đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU). Theo giới chuyên gia nhận định, chủ tịch đảng CDU, Friedrich Merz, hiện là ứng viên sáng giá cho chức Thủ tướng.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về việc thay đổi lãnh đạo đất nước. Khả năng ông Olaf Scholz có thể thắng cuộc bầu cử này rất lớn. Ông Scholz luôn bị đánh giá thấp, ví dụ như trong cuộc bầu cử năm 2021, ba tháng trước cuộc bầu cử, đảng của ông chỉ giành được 14 % sự ủng hộ. Có nhiều ý kiến cho rằng đảng SPD đã đến hồi kết nhưng cuối cùng, đây lại là đảng chạm đế vạch đích và ông Scholz trở thành Thủ tướng.
Với sự ủng hộ của Đảng Xanh, Thủ tướng Đức hoàn toàn có thể nhắm tới việc thiết lập một liên minh mới để giành lại thế chủ động. Và cũng giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đây nhiều khả năng là một trong những biện pháp của ông Scholz để tái khẳng định vị thế của mình. Kết quả của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm không có nhiều bất ngờ, các đảng phái của Đức hiện đang tập trung cho cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào tháng 2 tới.
Tình trạng bất ổn tại Đức
nền kinh tế của đầu tầu châu Âu, Đức, hiện đang trong tình cảnh hết sức khó khăn. Sau 2 năm rơi vào tình trang suy thoái kỹ thuật, nước Đức vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng kém trong năm tới 2025. Theo những số liệu của Quý 3/2024, Viện kinh tế IfW Kiel nhận định hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc phục hồi tăng trưởng của Berlin. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Đức chỉ có thể hướng đến một con số tăng trưởng cao nhất là -0,2% cho năm 2024. Đây là kết quả đáng thất vọng cho một nền kinh tế lớn mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
Trên thực tế, ngành công nghiệp ô tô, một trong những thế mạnh của nước Đức, đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của công nghệ xe điện Mỹ hay Trung Quốc. Trang Deutsche Welle cho biết lợi nhuận ròng trong quý 3/2024 của hãng xe Volkswagen giảm gần 64% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty con của hãng là Audi, cũng dự trù một kế hoạch ngừng sản xuất xe điện tại nhà máy ở Bruxelles, Bỉ vào cuối tháng 2/2025 khiến khoảng 3.000 công nhân có nguy cơ mất việc. Kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2024 của các thương hiệu xe khác như Mercedes, Audi, BMW và Porsch là đáng báo động : Lượng xe bán ra tại Trung Quốc sụt giảm thê thảm, chỉ chiếm hơn 1/3 so với mức sản xuất. Hơn lúc nào hết, các doanh nghệp Đức đang cần sư chấn an và hậu thuẫn đến từ phía Chính phủ.
Tuy nhiên, với việc Liên minh 3 đảng của Chính phủ Đức sụp đổ, trong thời gian tối thiểu là 3 tháng tới, sẽ không có bất kỳ chính sách hay dự luật nào được thông qua. Đây có thể nói là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Đức. Người dân và doanh nghiệp đều "nín thở" để chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử sớm.
Vấn đề sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi không có định hướng cụ thể trong thời điểm nhạy cảm này. Chính phủ không có khả năng hành động cùng với một Quốc hội không sẵn sàng hành động sẽ kéo theo sự suy thoái kinh tế trong nhiều tháng tới. Đó là chưa kể đến với kết quả của cuộc bầu cử Mỹ gần đây, việc ông Donald Trump đắc cử đồng nghĩa với việc Berlin cần ngay lập tức thay đổi chính sách để phù hợp với tình hình mới. Trong thế bế tắc hiện tại, dù trái với mong muốn nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ chỉ có thể hy vọng các thay đổi sớm nhất là vào quý 2/2025. Thế khó đã khiến những dự báo tăng trưởng của Đức tiếp tục suy giảm, từ mức tăng trưởng 0,5% xuống còn 0,2% cho năm 2025.
Liên minh châu Âu
Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ mới đây đã khiến toàn châu Âu chao đảo. Mỗi nước thành viên Khối 27 đều đang gấp rút thiết lập các kịch bản cũng như tìm ra đường lối ngoại giao mới phù hợp với Mỹ trong bối cảnh ông Trump đắc cử. Các chuyên gia địa bàn nhận định với khả năng chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại Mỹ, tình hình kinh tế châu Âu trong năm 2025 tới sẽ hết sức khó khăn: Các rào chắn thương mại sẽ được thiết lập tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng kinh tế với Trung Quốc.
Ở một số quốc gia châu Âu như Đức và Pháp với tình hình chính trị phức tạp, các dự luật về ngân sách và kinh tế vấp phải sự phản đối lớn tại Quốc hội, cùng với những nguy cơ liên quan đến việc ông Trump đắc cử, sẽ không có gì bất ngờ khi Chính phủ của 2 nước này bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc người dân đang mất lòng tin vào chính quyền đương nhiệm. Họ cho rằng Chính phủ hiện tại không có khả năng đảm bảo lợi ích hay có thể "chèo chống" đất nước qua cơn khủng hoảng địa chính trị hiện tại, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang có nhiều diễn biến phức tạp và tình hình Trung Đông ngày một căng thẳng.
Ngoài ra, theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây, phe cực hữu đang ngày càng được nhiều người ủng hộ. Việc các Chính phủ Đức và Pháp không đưa ra được những dự luật khắt khe, cứng rắn với người nhập cư khiến các Đảng phái cực hữu, những người luôn "bài ngoại", bất mãn. Điều này cũng góp phần không nhỏ trong kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm với các Chính phủ Paris và Berlin trong vài tuần trở lại đây.
Nhìn một cách tổng thể, EU hiện đang bế tắc trong bài toán duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như xoa dịu căng thẳng với nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang chuẩn bị bước sang năm thứ 4 với nhiều vấn đề chưa có câu trả lời. Tình hình Trung Đông đang ngày càng vượt xa tầm kiểm soát và đẩy toàn bộ châu Âu đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng mới. Trước tình hính đó, việc các nhà lãnh đạo EU và các nước thành viên chưa thống nhất được một tiếng nói đồng thuận khiến toàn thể châu Âu lo lắng. Các nước thành viên Khối 27 đang cố gắng tự tìm kiếm lối đi cho riêng mình để vượt qua cơn sóng dữ.