Đức khởi động “năm siêu bầu cử”
VOV.VN - Đức hôm nay (14/3) chính thức khởi động “năm siêu bầu cử”, với cuộc bầu cử địa phương tại 2 bang Rhineland-Palatinate và Baden-Wuerttemberg.
Cả hai cuộc bỏ phiếu được coi là bài kiểm tra “tâm trạng quốc gia” trước cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên trong 15 năm qua bầu cử không có sự tham gia của đương kim Thủ tướng Angela Merkel.
“Năm siêu bầu cử” tại Đức được khởi động trong bối cảnh không mấy thuận lợi đối với Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel. Vị nữ lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Đức này dự kiến sẽ rút lui vào mùa Thu năm nay. Tuy nhiên, Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo tới nay vẫn chưa thể đề cử ứng cử viên cho cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, ủng hộ đối với Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo của bà Merkel đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một năm, ở mức 30%.
Bản thân đảng này cũng đã chuẩn bị cho khả năng chịu thất bại trong ngày bầu cử hôm nay, đặc biệt là tại bang Baden-Wuerttemberg, từng là pháo đài của phe bảo thủ. Đây là một bang giàu có ở phía Tây Nam, nơi đặt trụ sở của các nhà sản xuất ôtô lớn như Daimler-Benz hay Porsche. Tuy nhiên, với cục diện hiện nay, ông Winfried Kretschmann của đảng Xanh đồng thời là thủ hiến đương nhiệm của bang, rất có thể sẽ là người giành chiến thắng và giữ chức thủ hiến thêm một nhiệm kỳ. Đây là một bước đệm để đảng Xanh giành được vị trí thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử và tham gia vào liên minh cầm quyền.
Chuyên gia phân tích chính trị Frank Baasner nhận định: “Ông Winfried Kretschmann có nhiều cơ hội. Thứ nhất là nhờ những thành công mà chính trị gia này đạt được trong thời gian dài vừa qua. Thứ hai là về mặt cá nhân, ông Winfried Kretschmann được biết đến là một nhân vật bảo thủ về mặt xã hội và tài chính hơn nhiều so với các thành viên đảng Xanh khác. Ông ấy là một nhân vật khá điềm tĩnh và cho thấy khả năng có thể làm việc được với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo, song lại không mang tính đại diện ở cấp độ liên bang".
Cả hai cuộc bỏ phiếu tại Baden-Wuerttemberg và Rhineland-Palatinate được coi là bài kiểm tra của tâm trạng quốc gia với sự kiện mà truyền thông gọi là “siêu bầu cử của năm” - cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9.
Đó sẽ là lần đầu tiên trong 15 năm qua bầu cử không có sự tham gia của bà Merkel. Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo cùng đối tác “trẻ tuổi” là đảng Dân chủ Xã hội Đức đã nhận được nhiều lời khen từ việc kiềm chế làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên tại nước này trong mùa Xuân 2020. Tuy nhiên, hiện nay đảng này lại phải đối mặt với “khủng hoảng lớn nhất” kể từ bê bối trong thập niên 90 của thế kỷ trước đã gây tổn hại đến tiếng tăm của cựu Thủ tướng Helmut Kohl.
Làn sóng Covid-19 tiếp theo bùng phát vào cuối năm 2020 lại khó xử lý hơn. Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 và bê bối liên quan đến thu mua khẩu trang đã kéo theo ý kiến trái chiều liên quan đến đảng của Thủ tướng Merkel. Điều này đã tạo lợi thế cho các đảng đối lập. Nhiều nhà bình luận đánh giá những “bước hụt” trong dịch Covid-19 có thể làm lu mờ di sản mà bà Merkel để lại khi rời nhiệm sở vào năm nay.
Để cứu vãn hình ảnh vài ngày ít ỏi trước bầu cử, Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo ngày 10/3 đã yêu cầu đến tất các các nghị sĩ thành viên đảng phải công khai lợi ích tài chính đạt được từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, thành hay bại lại lại phải đợi kết quả cuộc bầu cử địa phương tại 2 bang đầu tiên này./.