EU cảnh báo về thỏa thuận hòa bình Ukraine nếu không có sự tham gia của châu Âu
VOV.VN - Ngày 13/1, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng yêu cầu cần đảm bảo việc Ukraine và châu Âu sẽ phải được tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga sau khi Tổng thống Mỹ trao đổi với Tổng thống Nga về việc tăng cường nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Lời kêu gọi của Tổng thống Trump hôm 12/2 được coi là một phần trong mục tiêu của Nhà Trắng nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm nay. Tuy nhiên, động thái này đã khiến cho các Bộ trưởng ngoại giao đồng minh chủ chốt ở châu Âu bao gồm Đức, Pháp, Ba Lan và Anh đã lên tiếng cảnh báo, Ukraine và châu Âu phải được tham gia trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Phát biểu trong cuộc họp ở trụ sở NATO vào ngày 13/2, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về ngoại giao và chính sách an ninh, bà Kaja Kallas cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào sau lưng EU đều sẽ không đạt hiệu quả, nó cũng cần có sự tham gia của Ukraine và châu Âu. Cùng ngày, chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đã lặp lại quan điểm này trong một tuyên bố trên mạng xã hội. Ông cũng lưu ý rằng hòa bình ở Ukraine và an ninh của châu Âu là không thể tách rời và hòa bình không thể chỉ là lệnh ngừng bắn đơn thuần.
Trước đó, Tổng thống Trump đã công bố cuộc gọi của ông và Tổng thống Putin, theo đó hai bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ, bao gồm cả việc thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau. Hai bên cũng đã đồng ý để các nhóm bắt đầu đàm phán hòa bình ngay lập tức. Ông Trump cũng cho biết việc trao cho Ukraine tư cách thành viên NATO sẽ không "thực tế".
Những bình luận này là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất từ chính quyền mới của tổng thống Trump về cách ông thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, nhưng một số nhà quan sát cho rằng việc đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán bằng cách đưa ra các điều khoản có lợi cho Nga là một chiến lược chưa thuyết phục.
Một số các chuyên gia cảnh báo nếu không có sự tham gia của Ukraine và EU, các điều khoản không đảm bảo lợi ích cho các bên thì cuộc đàm phán khó có thể thành công, nhất là khi cho phép nhượng bộ trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh cần sớm kết thúc sớm cuộc xung đột hiện tại để giảm thiểu tổn thất về người cũng như các tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng bác bỏ khả năng triển khai quân đội tới Ukraine và nhấn mạnh rằng trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực cần thuộc về châu Âu.