EU không thể đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn trong chống biến đổi khí hậu
VOV.VN - Ngoài chủ đề Brexit, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc tại Brussels, Bỉ được hâm nóng bằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đúng như những dự báo trước đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không thể đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến toàn cầu này.
(Ảnh minh họa của The Economist). |
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không thể tìm được tiếng nói chung nhằm đưa ra những mục tiêu tham vọng hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là tâm điểm các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt những tuần qua không chỉ tại châu Âu, mà cả trên thế giới.
Văn kiện kết luận hội nghị được công bố hôm qua chỉ khẳng định cam kết của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu tôn trọng thỏa thuận Paris đạt được tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 và nhấn mạnh tầm quan trọng của một chiến lược dài hạn có thể tạo ra sự tăng trưởng và việc làm.
Điều gây thất vọng nhất là Hội đồng châu Âu chỉ kêu gọi các nước thành viên tăng cường các nỗ lực từ nay đến tháng 6, thay vì đưa ra một mục tiêu cụ thể
Theo các tổ chức phi chính phủ, những biện pháp được triển khai hiện nay là không đủ nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp, cũng như đạt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050. Hồi tuần trước, Nghị viện châu Âu đã thông qua đề xuất này, cùng với một kế hoạch tham vọng nhằm tăng cường các nỗ lực từ nay đến năm 2030, hướng tới giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc tại Brussels, các nước thành viên đã không thể thống nhất được lập trường trong vấn đề này. Nhà lãnh đạo Đức thậm chí còn đề xuất lùi các cuộc thảo luận sang Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới.
Học sinh, sinh viên Australia tuần hành chống biến đổi khí hậu
Tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng, để tăng cơ hội hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C, thì việc đạt được mục tiêu giảm khí thải dioxide carbon gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 phải đạt được ngay từ năm 2040, chứ không phải là 10 năm sau đó.
Mục tiêu cắt giảm hiện nay (40% vào năm 2030) cũng là không đủ và cần phải nâng lên 65%. Ông Jese Francois Julliard, một quan chức thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh tại Pháp cho biết:
“Những tuần qua, chúng tôi đã cùng nhau tập hợp dưới biểu ngữ “Khẩn cấp về môi trường và xã hội”. Chúng tôi kêu gọi nâng cấp ngành xây dựng, cải cách lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới giảm tiêu thụ năng lượng và tăng cường cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.”
Theo tổ chức phi chính phủ mang tên Mạng lưới hành động khí hậu (Climate Action Network), tình hình là không thể chấp nhận trong bối cảnh Liên minh châu Âu sẽ phải tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu vào tháng 9 tới. Tới thời điểm đó, Liên minh châu Âu sẽ phải có câu trả lời rõ ràng về những cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu như yêu cầu của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Bình luận về thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Liên ninh châu Âu vừa kết thúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng thỏa hiệp đạt được chỉ là nhằm tránh một giải pháp tồi tệ nhất, song không giải quyết được những thách thức của thời đại./.