EU nỗ lực đi đầu trong chia sẻ vaccine Covid-19, WHO bàn về bất bình đẳng vaccine
VOV.VN - Trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Italia (30-31/10), lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (28/10) đã đưa ra cam kết tăng cường xuất khẩu và viện trợ vaccine cho các nước đang phát triển, nhất là hỗ trợ châu Phi có thể phần nào tự chủ nguồn vaccine.
Trong buổi họp báo trước khi tham dự Hội nghị G20, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Usurla Von der Layen cho biết, ưu tiên hàng đầu của châu Âu là nỗ lực để Hội nghị G20 đạt được cam kết về mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.
Để đạt mục tiêu tham vọng trên, EU sẽ tiếp tục đi đầu trong vấn đề chia sẻ và tài trợ vaccine. Bà Layen nói: “Châu Âu dự kiến sẽ sản xuất 3,5 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm tới và phần lớn trong số này sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài. Ủy ban châu Âu và các nước thành viên cũng cam kết đến giữa năm 2022, sẽ dành ra khoảng 500 triệu liều để tài trợ”.
Kể từ đầu năm 2021, EU đã xuất khẩu 1,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đến 150 quốc gia và tài trợ hơn 200 triệu liều thông qua các cơ chế chia sẻ vaccine, nhất là chương trình COVAX.
Về trung và dài hạn, EU và lãnh đạo các nước G20 sẽ vận động để tăng cường năng lực sản xuất vaccine tại các nước đang phát triển, nhất là các vaccine theo công nghệ di truyền gen mới (mARN).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu đặc biệt nhấn mạnh đến châu Phi khi chỉ có 1% tất cả các loại vaccine là được sản xuất tại lục địa này trong khi 99% còn lại phải nhập khẩu. Bà Von der Layen cho biết EU sẽ đầu tư hơn 1 tỷ euro tại châu Phi để giúp châu lục này có thể tự sản xuất và độc lập về vaccine; đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi để tiến tới thành lập Cơ quan Dược phẩm châu Phi. Châu Phi cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2040 có thể sản xuất được 60% các loại vaccine.
Bên cạnh vấn đề vaccine, EU cũng sẽ kêu gọi G20 đàm phán, thiết lập cơ chế chung nhất là việc thu hẹp khoảng cách giữa lĩnh vực y tế và tài chính để có thể đối phó với các đại dịch trong tương lai.
Tại Hội nghị G20 sắp tới, hai chủ đề ưu tiên khác mà EU dự kiến đề cập là vấn đề khí hậu với mục tiêu giữ cho nhiệt độ thế giới không tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp và phục hồi nền kinh tế toàn với thoả thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Trong khi đó, vấn đề công bằng vaccine một lần nữa lại được xới lên tại cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới diễn ra hôm qua (28/10). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh có thêm nhiều tiếng nói kêu gọi các quốc gia giàu đẩy nhanh chia sẻ vaccine cho các nước nghèo.
Mở đầu cuộc họp, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã dẫn một số liệu đáng buồn cho thấy, lần đầu tiên trong vòng 2 tháng qua, số ca lây nhiễm và số ca tử vong trên thế giới tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các công cụ y tế hiện nay. Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đây là lời nhắc nhở cho thấy, đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc.
Chia sẻ quan điểm với người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, chuyên gia khoa học đầu ngành của tổ chức này, tiến sĩ Soumya Swaminathancho biết, hiện nay, một số nước trên thế giới đang đẩy nhanh mũi tiêm thứ 3 ngừa Covid-19 còn gọi là mũi tiêm tăng cường, với số lượng lên đến 1 triệu mũi / ngày. Con số này gấp 3 lần số vaccine được triển khai tại các quốc gia có thu nhập thấp , với chỉ 330 nghìn liều/ ngày.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan một lần nữa kêu gọi các nước giàu lùi thời điểm triển khai tiêm mũi tăng cường cho đến cuối năm nay để nhường vaccine cho các nước nghèo hơn: “Chúng tôi kêu gọi lùi thời điểm tiêm mũi tăng cường đến cuối năm nay để chúng ta có thể chuyển những liều vaccine này đến các quốc gia và bộ phân dân cư vẫn ở dưới mức bao phủ vaccine 4-5%và ngay cả nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch vẫn chưa được tiêm đầy đủ.
Điều mà chúng ta có thể làm được, hoàn toàn làm được và chúng tôi rất hi vọng là các nhà lãnh đạo các nước giàu, cụ thể là lãnh đạo các nước G20 trong cuộc họp tới đây hãy đưa ra quyết định về sử dụng nguồn cung vaccine hiện có, đưa ra quyết định ưu tiên số vaccine này cho nhiều khu vực khác của thế giới đang rất rất cần đến vaccine”.
Cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới diễn ra trong bối cảnh có thêm nhiều tiếng nói kêu gọi các quốc gia giàu đẩy nhanh chia sẻ vaccine cho các nước nghèo. Trả lời phỏng vấn báo giới trước khi tham dự hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển G20 và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26), Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 28/10 đã kêu gọi các nước giàu chia sẽ vaccine cho các nước nghèo hơn.
“Các quốc gia cũng đã giúp đỡ nhau nhưng theo tôi điều này vẫn là chưa đủ. Trong thời điểm khủng hoảng dịch bệnh như hiện nay, các nước giàu cần làm nhiều hơn để hỗ trợ các nước nghèo có được vaccine để cùng nhau chúng ta có thể khống chế được đại dịch”.
Trước đó cùng ngày, một nhóm cựu lãnh đạo trên thế giới cũng đã gửi thư kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 sắp tới nhất trí về việc phân phối số vaccine ngừa Covid-19 dư thừa cho các nước có thu nhập thấp. Theo các cựu lãnh đạo, đến cuối tháng này, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada có thể tích trữ 240 triệu liều vaccine không dùng đến, trong khi quân đội các nước này hoàn toàn có thể chuyển ngay lập tức số vaccine này đến các nước đang cần hơn.
Bức thư khẳng định: “Bất bình đẳng về vaccine đang tạo ra mối đe dọa đối với tất cả mọi người, vì mọi người sẽ không thể an toàn cho đến khi tất cả được an toàn. Nếu không tiến hành khẩn trương tiêm chủng rộng rãi, các biến thể virus SARS-CoV-2 có thể bùng phát ở những nơi chưa được tiêm và trở thành ổ dịch lây lan mới sang cả những nơi đã được tiêm phòng, đặt ra thách thức cho cả những quốc gia đã tiêm chủng nhiều hơn"./.