EU thảo luận về phương hướng đàm phán Brexit với Anh
VOV.VN - EU mong muốn đạt được đạt được một kết quả công bằng và có lợi cho tất cả các nước thành viên trong quá trình đàm phán về Brexit với Anh.
Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier và các bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu ngày 27/4 đã thể hiện sự đoàn kết trong cuộc họp nhằm thảo luận về phương hướng đàm phán với nước Anh.
Ảnh minh họa: Reuters
Các quan chức EU cũng bàn thảo về các biện pháp nhằm cách ngăn chặn những bất đồng có thể nổi lên giữa các nước thành viên ở giai đoạn sau của cuộc đàm phán. Cuộc họp diễn ra chỉ 2 ngày trước hội nghị thượng đỉnh của khối về vấn đề này.
Tại cuộc họp ở Luxemburg, trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu Barnier và bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của các nước thành viên đã thảo luận về dự thảo phương hướng đàm phán với nước Anh. Bản dự thảo này sẽ được chính thức thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 29/4.
Phát biểu sau cuộc họp của trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU với các bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu, Phó Thủ tướng Malta Louis Grech nói rằng, các nước còn lại đã nhất trí về phương hướng đàm phán với một cách tiếp cận tổng thể.
“Tất cả các thành viên đều nhất trí về nguyên tắc đàm phán chung và bày tỏ sự ủng hộ của mình. Yếu tố chính trong phương hướng đàm phán là đạt được một kết quả công bằng và có lợi cho tất cả các nước thành viên, cũng như duy trì tính đoàn kết và niềm tin giữa 27 nước thành viên”, ông Grech nói.
Dự thảo phương hướng cũng khẳng định những mục tiêu chính của EU trong quá trình đàm phán Brexit với nước Anh. Theo đó, EU sẽ đưa ra những yêu cầu chặt chẽ về dịch vụ tài chính, nhập cư và các khoản chi phí Anh phải thanh toán trước khi kết thúc tư cách thành viên kéo dài 44 năm trong EU trước khi thảo luận về một thỏa thuận thương mại với Anh.
Trưởng đoàn đàm phán về vấn đề Brexit của Liên minh châu Âu Barnier cũng nhấn mạnh sự đoàn kết của EU trong suốt quá trình đàm phán 2 năm về Brexit.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cũng kêu gọi các nước thành viên không nên tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Anh: “Chúng ta cần phải đoàn kết cùng nhau ở thời điểm này. Không thể có các cuộc đàm phán song phương bên lề với Anh. Chúng ta cần phải làm rõ một lần nữa rằng, các cuộc đàm phán cần phải do Ủy ban châu Âu tiến hành đại diện cho tất cả các nước thành viên”.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nói rằng, EU cũng cần phải bàn đến vấn đề đóng góp ngân sách của khối sau Brexit, bởi khi Anh không còn là thành viên, EU sẽ mất đi một nhà đóng góp lớn. Đây không phải là vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán sơ bộ, nhưng có thể sẽ gây tranh cãi trong các giai đoạn sau của quá trình đàm phán.
Trước đó, ngày 26/4, Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc thảo luận đầu tiên với giới đàm phán chủ chốt của EU về Brexit. Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh EU bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về chiến lược đàm phán với Anh.
Bất chấp các cuộc thảo luận giữa người đứng đầu nước Anh và các nhà đàm phán EU, giới phân tích chính trị cho rằng Anh khó có thể giành được những lợi thế trong đàm phán với EU về Brexit.
Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 29/4, lãnh đạo 27 nước thành viên sẽ đặt ra các giới hạn đỏ của khối này trong đàm phán Brexit, mặc dù các cuộc đàm phán phải chờ tới sau cuộc bầu cử ngày 8/6 tới tại Anh mới chính thức được khởi động./.
Số phận 4 triệu công dân Anh và châu Âu mở màn cuộc chiến Brexit