G7 thống nhất mặt trận chống Nga, Nga cảnh báo đáp trả
VOV.VN - Hôm qua (12/12), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) kết thúc với một tuyên bố chung trong đó cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga tấn công Ukraine.
Điều trên cho thấy sự lo ngại của các nước phương Tây đối với Nga khi căng thẳng tại khu vực phía Đông biên giới Ukraine đang tăng cao, trong bối cảnh có thông tin cho rằng cả Nga và Ukraine đang tập trung binh sỹ tại khu vực biên giới.
Kết thúc cuộc họp tại thành phố Liverpool, Anh vào hôm qua, các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung trong đó kêu gọi Nga "giảm leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế về tính minh bạch của các hoạt động quân sự".
Theo các ngoại trưởng G7, mọi hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới đều bị nghiêm cấm theo luật pháp quốc tế. Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Anh Liz Truss kêu gọi: "Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đoàn kết. Chúng tôi đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các đối thủ và đồng minh của mình. Chúng tôi thống nhất rằng, bất kỳ cuộc xâm nhập nào của Nga vào Ukraine sẽ gây ra hậu quả lớn và sẽ phải trả giá đắt."
Tuy nhiên, trong tuyên bố, Mỹ và các đồng minh đã không đề cập một phản ứng quân sự để bảo vệ Ukraine mà chủ yếu đề cập đến những biện pháp trừng phạt nhằm gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga.
Ðây không phải lần đầu G7 cảnh báo Nga về vấn đề Ukraine. Tại hội nghị hồi tháng 5 năm nay, các Ngoại trưởng G7 đã ra thông cáo chung, trong đó cũng bày tỏ lo ngại về việc Nga tập trung các lực lượng quân sự ở khu vực biên giới Ukraine.
Về phần mình, Điện Kremlin phủ nhận kế hoạch đưa quân vào Ukraine và nói rằng phương Tây bị mắc chứng sợ hãi Nga. Điện Kremlin cho biết, quân đội Nga không gây ra mối đe dọa nào đồng thời cáo buộc NATO có các nỗ lực nguy hiểm nhằm kiểm soát Ukraine. Tuyên bố cũng lên án thái độ phá hoại của Ukraine đối với việc giải quyết hòa bình ở khu vực miền Đông Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói: "Nga chưa bao giờ có ý định tấn công bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi có mối quan tâm của chúng tôi, những lằn ranh đỏ của chúng tôi. Nga sẽ hành động để chống lại các mối đe dọa đang leo thang nhằm vào biên giới của mình.".
Tối ngày 11/12, một tuyên bố do Đại sứ quán Nga tại Anh đưa ra trước khi văn kiện chung của G7 được công bố cho biết, Anh thường xuyên sử dụng cụm từ "hành vi gây hấn của Nga" trong các phiên họp tại Liverpool. Điều này sẽ gây hiểu lầm và tạo ra cái cớ để G7 phản đối Nga.
Những tuyên bố của hai bên diễn ra khi trong vài tuần qua, truyền thông và các quan chức chính phủ phương Tây liên tục cáo buộc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự, lấy bằng chứng là Nga đã chuyển 175.000 quân tới gần biên giới Ukraine. Nga luôn phủ nhận mọi ý định tấn công Ukraine, chỉ ra rằng chính các cuộc điều động quân đội của NATO và lời lẽ hiếu chiến của phương Tây đã tạo ra căng thẳng ở biên giới nước này ngay từ đầu.
Quan hệ Nga-Ukraine xấu đi từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbass. Quân đội Ukraine giao tranh với lực lượng ly khai ở hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk từ năm 2014, khiến hơn 13.000 người ở cả hai phía thiệt mạng./.