G7 và NATO sẽ gia tăng sức ép với Nga, chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc
VOV.VN - Tại hội nghị thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh NATO, các nhà lãnh đạo sẽ tìm biện pháp gia tăng áp lực với Nga và đối phó Trung Quốc.
Các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 22/6 cho biết, lãnh đạo của Nhóm các nước công nhiệp phát triển (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ làm việc để gia tăng sức ép với Nga liên quan đến cuộc chiến Ukraine, đồng thời bày tỏ mối quan ngại về Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến khởi hành vào ngày 25/6 để gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G7 tại miền Nam nước Đức, sau đó ông sẽ tới Madrid (Tây Ban Nha) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Tại hội nghị lần này, NATO sẽ công bố kế hoạch tăng cường lực lượng ở Đông Âu và Mỹ sẽ đưa ra các bước để củng cố an ninh châu Âu.
Theo các quan chức Mỹ, lần đầu tiên thượng đỉnh NATO sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không làm phân tán sự chú ý của các quốc gia phương Tây đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến thông qua một khái niệm chiến lược tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid trong 2 ngày 29 và 30/6 nhằm giúp đối phó các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 28/6 sẽ tìm biện pháp đối phó với cái gọi là “hoạt động kinh tế cưỡng bức” của Trung Quốc, đang ngày càng trở nên gia tăng trong những năm gần đây, nguồn tin trên nêu rõ.
“Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã giúp tăng cường quan hệ đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới. Nhưng vấn đề Ukraine sẽ không khiến chúng tôi rời mắt khỏi Trung Quốc mà thực tế hoàn toàn ngược lại”, một quan chức Mỹ lưu ý.
Các nhà lãnh đạo G7 sẽ khởi động một sáng kiến cơ sở hạ tầng mới nhằm cung cấp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình những biện pháp minh bạch và chấp lượng cao nhằm thay thế cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: “Tại hội nghị thượng đỉnh, chúng tôi sẽ đưa ra một loạt đề xuất cụ thể nhằm gia tăng áp lực đối với Nga và thể hiện sự ủng hộ với Ukraine”.
Theo giới chức Mỹ, tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng và thực phẩm gia tăng, gây nhiều rủi ro cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
“Các nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy tầm nhìn về thế giới dựa trên nền tảng tự do, cởi mở, không ép buộc, không gây hấn, không tìm cách gây ảnh hưởng. Các bên sẽ tăng cường hợp tác về kinh tế, không gian mạng và lượng tử, đặc biệt là những thách thức do Trung Quốc đặt ra”, nguồn tin trên nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ phát biểu trong cả hai hội nghị, trình bày kế hoạch chống lại các cuộc tấn công của Nga và sự hỗ trợ an ninh mà Kiev cần, các quan chức Mỹ cho biết.
Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Vua Felipe. Tuy nhiên không có bất cứ thông báo nào về cuộc gặp giữa ông Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan – người phản đối kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển./.