Gần như toàn châu Âu đã báo động đỏ vì Covid-19
VOV.VN - Đến ngày 22/10, virus Sars-CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn 8 triệu người tại châu Âu và cướp đi sinh mạng của khoảng 256.000 người.
Trong bản đồ dịch công bố ngày 22/10, Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết trong số khoảng 30 quốc gia châu Âu, hiện chỉ còn một vài nước chưa phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, còn lại đều trong tình trạng báo động đỏ.
Theo bản đồ dịch được Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu – ECDC công bố, trong số các nước châu Âu, hiện chỉ còn duy nhất Na Uy vẫn giữ được cấp độ “xanh”, tức cấp độ chưa cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế, 3 nước khác là Phần Lan, Hy Lạp và Đức ở cấp độ “da cam”, tức bắt đầu phải có biện pháp đề phòng, còn lại toàn bộ các nước khác đã chuyển sang “màu đỏ”, tức mức báo động cao nhất vì dịch Covid-19.
Bản đồ dịch này được các nước châu Âu thống nhất xây dựng kể từ đầu tháng 10, bao gồm 27 nước Liên minh châu Âu – EU, Vương quốc Anh cùng các nước thuộc Không gian kinh tế châu Âu như Na Uy và Iceland, với mục đích thống nhất các biện pháp hạn chế và đặt ra quy định chung về việc di chuyển nội khối.
Theo các con số mới nhất được ECDC công bố, đến ngày 22/10, virus Sars-CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn 8 triệu người tại châu Âu và cướp đi sinh mạng của khoảng 256.000 người.
Trong bản đồ dịch được ECDC công bố, các nước mới nhất chuyển sang cấp độ “đỏ” là Áo và Italia. Hiện tại đã có 3 vùng tại Italia là vùng Lazio quanh thủ đô Roma, thành phố Milan ở miền Bắc và vùng Campania ở miền Nam quyết định áp lệnh giới nghiêm để ngăn chặn sự bùng phát của dịch, trong bối cảnh ngày 22/10 Italia ghi nhận trên 16.000 ca nhiễm mới, con số cao nhất từ đầu dịch.
Trong khi đó, một ngày sau khi trở thành nước Tây Âu đầu tiên ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm Sars-CoV-2, Tây Ban Nha tiếp tục có thêm hơn 20.000 ca nhiễm mới. Hiện chính phủ Tây Ban Nha đang tranh cãi gay gắt với lãnh đạo các địa phương về việc áp các lệnh giới nghiêm, dự kiến kéo dài đến 9/12.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Pháp, khi trong ngày 22/10, nước này lại phá kỷ lục về số ca nhiễm mới với trên 41.000 ca, buộc chính phủ Pháp phải đưa thêm hàng loạt tỉnh vào danh sách đỏ và áp lệnh giới nghiêm với khoảng 46 triệu dân Pháp.
Tại Đức, dù số ca nhiễm không tăng cao như các nước Pháp, Bỉ nhưng trong ngày 22/10, Đức cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch ghi nhận số ca nhiễm mới Sars-CoV-2 vượt mức 10.000 ca trong ngày.
Chủ tịch Viện Robert Koch, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang Đức, ông Lothar Wieler cảnh báo, mọi việc đang xấu đi mỗi ngày và nước Đức cần phải chuẩn bị cho kịch bản mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Chúng ta cần phải lường trước được rằng virus sẽ còn lan rất mạnh, ít nhất là tại một số vùng của Đức và việc lây lan này có thể không kiểm soát nổi. Tình hình đang trở nên rất nghiêm trọng. Con số ca nhiễm đang tăng rất nhanh tại rất nhiều vùng và chúng tôi không biết dịch sẽ diễn biến ra sao”, ông Lothar Wieler nhấn mạnh./.