Hàn Quốc tiếp tục sa lầy vào khủng hoảng
VOV.VN - Việc quốc hội Hàn Quốc thông qua dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol không những không đặt được dấu chấm hết cho những rối ren hiện nay, mà còn bị coi là “màn cao trào của những tranh giành quyền lực”, đẩy nước này lún sâu hơn vào đầm lầy khủng hoảng.
Chiều tối 14/12, với 204 phiếu thuận trong tổng số 300 phiếu của các nghị sỹ, Quốc hội Hàn Quốc đã chính thức thông qua dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol lần thứ 2 do phe đối lập soạn thảo, đệ trình. Động thái này không những không đặt được dấu chấm hết cho những rối ren hiện nay như mong muốn, mà còn bị coi là “màn cao trào của những tranh giành quyền lực”, đẩy nước này lún sâu hơn vào đầm lầy khủng hoảng.
Trái ngược với lần bỏ phiếu đầu tiên, lần này nhiều nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền đã bỏ phiếu thuận cho việc luận tội Tổng thống, nhờ đó dự thảo nghị quyết đã được thông qua. Động thái này có vẻ bất ngờ, nhưng trên thực tế không hề bất ngờ.
Dấu hiệu báo trước
Trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu tại Quốc hội Hàn Quốc, đó đã có nhiều dấu hiệu báo trước dự thảo lần này sẽ được thông qua. Dấu hiệu đầu tiên là thái độ vô cùng quyết liệt của phe đối lập mà đứng đầu là đảng Dân chủ.
Sau khi dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol lần thứ nhất không được thông qua do không đủ số người bỏ phiếu theo quy định, vì các nghị sỹ thuộc đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền né tránh không tham gia bỏ phiếu, phe đối lập đã đệ trình dự thảo lần 2 và nhấn mạnh, cho dù dự thảo nghị quyết lần 2 không được thông qua, vẫn sẽ “luận tội Tổng thống bằng mọi giá”. Thậm chí tuyên bố phương châm “mỗi tuần một dự thảo nghị quyết luận tội tổng thống” để khẳng định thái độ không khoan nhượng.
Áp lực của phe đối lập là rất “nặng ký”, bởi vì phe này đang làm chủ 192 ghế trong tổng số 300 ghế của Quốc hội.
Dấu hiệu thứ 2 là những lời chứng vô cùng bất lợi cho tổng thống Yoon từ phía các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, bao gồm cả thủ tướng và tư lệnh Cảnh sát Quốc gia. Đặc biệt, vụ việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun tự sát không thành là mồi lửa đẩy mọi thứ lên đỉnh điểm.
Ông Kim là nhân vật thân tín của tổng thống và được coi là người đề xuất ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật. Do đó, việc ông này tự kết liễu khiến người ta liên tưởng đến nhiều khả năng, trong đó có khả năng là để bao che cho kẻ chủ mưu. Bởi vì, trước đó, vào ngày 10/12, ông Kim Yong Hyun, thông qua luật sư của mình, tuyên bố nhận mọi trách nhiệm về cá nhân liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật đêm 03/12 vừa qua.
Ngay cả việc vào hôm 12/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol xuất hiện lần thứ 2 trước công chúng kể từ khi ban bố và thu hồi lệnh thiết quân luật, với khẳng định sẽ “chiến đấu đến phút chót”, cũng bị coi là “dấu hiệu báo trước” và là “nỗ lực yếu đuối cuối cùng” để thoát hiểm. Bên cạnh đó là những áp lực không ngừng gia tăng từ phía công luận. Vì vậy, giới phân tích chính trị nhận định, cho dù dự thảo nghị quyết luận tội tổng thống lần 2 không được thông qua, thì việc luận tội cũng chỉ là vấn đề thời gian và thủ tục. Trong bối cảnh đó, đảng cầm quyền không có lựa chọn khác.
Chưa phải là hồi kết
Theo quy định của luật pháp Hàn Quốc, sau khi nghị quyết luận tội được thông qua, tổng thống sẽ bị đình chỉ chức vụ. Sau đó, trong vòng 180 ngày, Tòa án Hiến pháp của nước này sẽ vào cuộc để thẩm lý tính chính xác, tính hợp pháp - hợp hiến, giá trị pháp lý và tính hiệu lực của nghị quyết.
Trong trường hợp 6 người trong số 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp bỏ phiếu thuận, tổng thống sẽ chính thức bị cách chức. Quyết định này sẽ mở đường cho hàng loạt các cuộc điều tra, mà đối với trường hợp ông Yoon Suk Yeol sẽ là các cuộc điều tra với 2 tội danh “gây nội loạn” và “lạm dụng chức quyền”.
Cũng theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, người bị kết án “chủ mưu gây nội loạn” sẽ phải đối mặt với với hình phạt cao nhất là tử hình hoặc tù chung thân, và với cáo buộc về tội danh này, Tổng thống đương nhiệm cũng sẽ là đối tượng điều tra, không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, việc bắt giữ ông Yoon để điều tra sẽ không hề dễ dàng, do vấp phải một số quy định pháp luật liên quan đến các đặc quyền của tổng thống đương nhiệm. Cho dù tòa án có đưa ra lệnh bắt giữ, nhưng trước khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc cách chức, ông Yoon Suk Yeol mới chỉ là “nghi can” và vẫn có đầy đủ các quyền miễn trừ theo quy định. Thêm nữa, nếu ông Yoon “cố thủ” tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), các cơ quan điều tra sẽ rất khó bắt giữ, vì không thể xâm nhập “cấm địa” nếu không được sự đồng ý, chấp thuận, cho phép của lực lượng cảnh vệ Phủ Tổng thống.
Trên thực tế, trong lịch sử Hàn Quốc, chưa từng có tổng thống đương chức nào bị bắt giữ, bao gồm cả với tội danh “gây nội loạn”. Do đó, có khả năng ông Yoon sẽ chỉ bị bắt trên danh nghĩa, mà chưa bị câu lưu về thân thể.
Nhìn từ bề nổi, với việc dự thảo luận tội nghị quyết luận tội tổng thống được Quốc hội thông qua, có thể nói, hầu như số phận của ông Yoon đã được an bài. Mọi thứ còn lại chỉ là trình tự, thủ tục pháp lý và thời gian. Nhưng những trình tự, thủ tục này sẽ kéo dài, và trong thời gian đó, chưa thể đoán định được ông Yoon Suk Yeol sẽ có những phản kháng tự vệ nào. Theo đó, quá trình “hạ bệ” tổng thống, cùng cuộc khủng hoảng hiện nay của Hàn Quốc vẫn chưa có hồi kết.
Hệ lụy kéo dài
Từ sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố vào đêm 3/12 đến nay, những ảnh hưởng của nó đã, đang và sẽ rất nghiêm trọng. Nhìn từ những động thái hiện thời, cùng các trình tự, thủ tục pháp lý, hành chính..., giới quan sát chính trị phân tích, mặc dù việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống là động thái mang tính quyết định đối với vận mệnh của cá nhân ông Yoon Suk Yeol, nhưng đồng thời cũng đẩy chính trường Hàn Quốc lún sâu hơn vào một cuộc khủng hoảng kéo dài.
Cho đến trước khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra phán quyết cuối cùng với thời hạn tối đa 180 ngày, nước này vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với hàng loạt vấn đề, trong đó, nghiêm trọng nhất là sự tê liệt của các hoạt động chính trị, dẫn tới những rối loạn của an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cùng các thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Về kinh tế, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đang cân nhắc tạm dựng nhiều dự án vào Hàn Quốc do lo ngại bất ổn chính trị. Đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền cũng vừa đưa ra một lộ trình cho việc tổng thống từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 sang năm, để tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2025. Cứ đặt giả thiết và giả định rằng là lộ trình này được thực hiện, ít nhất cũng phải 6 tháng năm sau, may ra tình hình mới được cải thiện phần nào, và cũng còn phụ thuộc vào việc ai sẽ là tổng thống mới...
Thêm nữa, sau khi có kết quả bầu cử tổng thống với sự rõ ràng về người thắng, kẻ thua, sẽ lại có một cuộc chiến vừa ngấm ngầm vừa công khai, khi người thắng cố gắng củng cố vị trí quyền lực, còn kẻ thua sẽ tìm mọi cách hạ bệ đối thủ. Cuộc chiến này sẽ làm tình hình vốn đã bất ổn càng thêm bất ổn. Cho đến khi tình hình ổn định, những thua thiệt về kinh tế, bao gồm cả kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc là chưa thể đong đếm được.
Về ngoại giao, khủng hoảng Hàn Quốc cũng đang là mối lo cho nhiều nước về những ảnh hưởng xấu tới hợp tác song phương, đa phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với sự tê liệt hiện nay của Hàn Quốc từ sau thiết quân luật.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển (G7) vừa diễn ra vào rạng sáng 14/12, khủng hoảng Hàn Quốc cũng là chủ đề nghị sự chính. Giới quan sát chính trị đặt tên cho những thiệt hại trên nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc là “thiệt hại thiết quân luật”.
Chặng đường tới đây của thủ tướng Han Duck Soo – người vừa được chỉ định thay ông Yoon Suk Yeol điều hành đất nước, cùng đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền sẽ vô cùng chông gai.