HĐBA bác cả 2 dự thảo nghị quyết của Pháp và Nga về Syria
VOV.VN - Cả hai dự thảo nghị quyết của Pháp và Nga về Syria đều đã bị bác bỏ trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 8/10.
Điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về quan điểm của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước tình hình tại quốc gia Trung Đông này.
Tình hình Syria tiếp tục bế tắc khi cả 2 dự thảo nghị quyết do Nga và Pháp để trình đều bị bác bỏ. Ảnh: Reuters
Dự thảo nghị quyết của Pháp đề nghị ngay lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố Aleppo của Syria, đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến được với mọi vùng của Syria, đã thất bại do nhận phải lá phiếu phủ quyết của Nga.
Trong hơn 5 năm xảy ra cuộc chiến Syria, đây là lần thứ năm Nga phủ quyết nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria. Bốn lần phủ quyết trước đó của Nga nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, song lần này Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
Có 11 trong tổng số 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu tán thành nghị quyết này. Angola bỏ phiếu trắng trong khi Venezuela bỏ phiếu chống.
Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Nga đã bày tỏ quan điểm không đồng ý với dự thảo do có một số điểm mà Nga cho là không thể chấp nhận được vì đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo.
Sau dự thảo nghị quyết của Pháp, đến lượt dự thảo nghị quyết của Nga, trong đó hối thúc lệnh ngừng bắn, song không hề đả động đến việc chấm dứt chiến dịch oanh tạc, cũng đã thất bại do nhận phải 9 lá phiếu chống, trong đó có 3 phiếu phủ quyết của Anh, Pháp và Mỹ. Có 4 phiếu thuận và 2 phiếu trắng dành cho dự thảo nghị quyết của Nga.
Để 1 nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua, cần phải có 9 phiếu thuận và không được có phiếu phủ quyết nào. Các quốc gia nắm trong tay lá phiếu phủ quyết bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.
Trong khi Hội đồng Bảo an tiến hành bỏ phiếu về các nghị quyết nêu trên, thì tại Syria, các lực lượng của chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy từng chiếm giữ ở một số khu vực miền Tây.
Các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad, với sự hỗ trợ của không quân Nga và các tay súng của Iran, Lebanon và Iraq trên mặt đất, đã giành được lợi thế ở khu vực xung quanh chiến trường Aleppo./.