Ai mới là chủ sở hữu Dải Gaza?
VOV.VN - Việc xác định quyền sở hữu Dải Gaza có thể là một trong những câu hỏi khó trả lời trên thế giới.
Tổng thống Donald Trump muốn Mỹ kiểm soát Dải Gaza, nhưng ngay cả việc ai đang nắm quyền sở hữu khu vực này cũng không rõ ràng.
Việc xác định quyền sở hữu và kiểm soát Gaza có thể là một trong những câu hỏi lãnh thổ phức tạp nhất trên Trái Đất.
![ai mới là chủ sở hữu dải gaza hình ảnh 1 ai moi la chu so huu dai gaza hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/gaza_do_nat.jpg)
Dải Gaza ở vào tình trạng gần như độc nhất vô nhị trên thế giới với một lịch sử dài nhiều lần đổi chủ, khiến việc xác định ai là chủ sở hữu cuối cùng của vùng đất chỉ rộng khoảng 365km2 này trở thành vấn đề cần phải giải mã các luật đất đai chồng chéo được thiết lập qua nhiều thế kỷ.
Ai đang kiểm soát Gaza?
Gaza là một phần của Đế chế Ottoman trước khi bị Anh (1918-1948) rồi Ai Cập (1948-1967) chiếm đóng. Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel chiếm đóng Gaza từ Ai Cập.
Về mặt thực tế, Gaza hiện nay do lực lượng Hamas điều hành, nhưng Liên Hợp Quốc cho rằng đây là khu vực bị Israel chiếm đóng bất hợp pháp. Hầu hết các nước coi Dải Gaza là một phần của Palestine, nhưng Palestine vẫn chưa được Mỹ và một số nước khác công nhận là một quốc gia.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel không muốn chiếm đóng Gaza sau khi chiến tranh kết thúc và ông đánh giá cao Tổng thống Mỹ Donald Trump vì ý tưởng sáng tạo khi đề xuất di dời người Palestine khỏi Gaza để tái thiết vùng đất này.
Mỹ sẽ tiếp quản Gaza như thế nào?
Cho đến nay, Tổng thống Trump chưa công bố chi tiết cụ thể về kế hoạch của ông đối với Gaza, ngoài việc nói rằng Mỹ sẽ sử dụng “quyền lực của Mỹ” để kiểm soát dải đất này.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, Washington sẽ không mua Gaza hoặc sử dụng quân đội để có được vùng đất này, nhưng Mỹ nên có quyền kiểm soát lâu dài để biến khu vực này thành “Riviera của Trung Đông”.
Theo kế hoạch của ông Trump, gần 2 triệu người Palestine sống ở Gaza sẽ di dời sang Jordan và Ai Cập. Ông đã đe dọa sẽ cắt viện trợ cho các quốc gia này nếu họ từ chối tiếp nhận người tị nạn, mặc dù ông cũng nhấn mạnh việc đóng băng viện trợ là không cần thiết.
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ đã bị các quốc gia Arab, bao gồm Saudi Arabia, chỉ trích. Các nước châu Âu cũng tuyên bố không ủng hộ. Chính quyền Palestine, vốn nắm quyền kiểm soát Gaza trước Hamas, cho rằng đề xuất của ông Trump đối với Gaza là vi phạm luật pháp quốc tế và tuyên bố người Palestine sẽ không từ bỏ mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Hamas đã tuyên bố sẽ chống lại Israel cho đến khi thành lập một nhà nước Palestine bao gồm cả Dải Gaza.
Người dân Gaza hiện nay phần lớn là con cháu của những người Palestine đã bị di dời khỏi những vùng đất mà ngày nay là Israel từ năm 1948. Họ tuyên bố sẽ ở lại dải Gaza bất chấp kế hoạch của ông Trump.
“Gaza đã thuộc quyền quản lý của Chính quyền Palestine cho đến khi bị Hamas chiếm bằng vũ lực”, ông Yossi Beilin, người đã tham gia soạn thảo Hiệp định Oslo thành lập Chính quyền Palestine, cho biết.
“Nếu ông Trump muốn Mỹ kiểm soát Gaza một cách hợp pháp, ông ấy phải nói chuyện với Chính quyền Palestine”, ông Beilin nói.
Ai sở hữu đất đai ở Gaza?
Vì Gaza đã thay đổi chủ sở hữu nhiều lần, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền sở hữu đất đai cá nhân là một nút thắt của các luật pháp Anh (1918-1948), Ai Cập (1948-1967) và Palestine. Một số quy định thậm chí có từ thời kỳ Gaza thuộc đế chế Ottoman trong suốt 400 năm trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Theo một nghiên cứu năm 2015 của Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC) về quyền sở hữu đất đai ở Gaza, các cá nhân sở hữu tới một nửa diện tích đất ở Gaza và có thể mua bán tự do. Tuy nhiên, ước tính có tới hơn 1/3 số diện tích đất đó là chưa đăng ký vì khó khăn trong việc xác lập lịch sử “quyền sở hữu” cũng như các luật và thủ tục đăng ký đất đai phức tạp. Một số chủ sở hữu trong quá khứ đã không đăng ký đất để tránh phải nộp thuế.
Đất tư không đăng ký chỉ có thể được đăng ký bởi chủ sở hữu nếu họ chứng minh được lịch sử sở hữu. Nếu không, chủ sở hữu sẽ phải chịu nhiều hạn chế, chẳng hạn như có thể bán đất nhưng không thể thế chấp. Chủ sở hữu đất không đăng ký được coi là chủ sở hữu trừ khi có bằng chứng ngược lại.
Trước khi cuộc xung đột gần đây xảy ra, các mảnh đất ở Gaza đã được đăng ký với Chính quyền Đất đai Palestine và nộp thuế cho Cục Thuế Tài sản thuộc Bộ Tài chính Gaza.
Phần lớn đất đai ở Gaza khó xác định sở hữu?
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 70% các công trình ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại. Các khu phố hoàn toàn bị san phẳng và người Palestine nói rằng hiện không thể phân định rõ nhà cửa, đất đai của họ. Điều này khiến việc xác định ai sở hữu những gì và ở đâu trở nên càng khó khăn hơn.
Các chuyên gia cho biết, sẽ mất hơn 1 thập kỷ để dọn dẹp “đống đổ nát” ở Gaza sau hơn 1 năm xung đột và mất hàng chục tỷ USD để tái thiết dải đất này.