Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên: Đàm phán đổ bể suốt 1 thập kỷ qua
VOV.VN - Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều bị phủ bóng đen vì thông tin Triều Tiên vận hành lò phản ứng mới. Trong khi, Mỹ muốn phi hạt nhân hoàn toàn Triều Tiên.
Lịch sử phát triển hạt nhân Triều Tiên
Triều Tiên vận hành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại cơ sở Yongbyon vào những năm 1980. Đây là thông tin do CIA tiết lộ và được báo cáo bởi cựu Giám đốc Siegfried S. Hecker của Trung tâm thí nghiệm Los Alamos, Đại học Stanford, tại bang New Mehico, Mỹ. Ông Hecker là một trong những người hiếm hoi đã nhiều lần đặt chân tới cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên và được cho là người phương Tây cuối cùng đến đây.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images |
Vào năm 2008, Triều Tiên đã tiến hành phá hủy tòa tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân Yongbyon, một bước trong quá trình tháo dỡ cơ sở hạt nhân này và là một bước tiến tạo lòng tin trong các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sau nhiều vòng thảo luận bế tắc.
Ngày 27/6/2008, 5 kênh truyền hình quốc tế của các nước tham gia vòng đàm phán hạt nhân 6 bên, gồm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã được mời đến đưa tin trực tiếp hình ảnh Triều Tiên kích nổ tòa tháp làm lạnh cao 20 mét tại cơ sở này.
Tòa tháp làm lạnh Yongbyon bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2003. Đây là một bộ phận đặc biệt quan trọng của lò phản ứng chính ở Yongbyon. Theo đó, cơ sở hạt nhân này đã ngừng hoạt động từ tháng 7/2007.
Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sau đó lại “giậm chân tại chỗ” và Triều Tiên tuyên bố trở lại chương trình phát triển hạt nhân của mình.
Năm 2010, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới và đến năm 2013, việc xây dựng dường như đã hoàn tất. Theo các nhóm các nhà phân tích tại Đại học Stanford, Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động xung quanh khu vực này và có thể lò phản ứng mới đã đi vào hoạt động.
Trong một tuyên bố tháng 2/2013, Triều Tiên cho biết sẽ khôi phục cơ sở hạt nhân Yongbyon, vốn có công suất 5 megawatt dùng để sản xuất plutoni phục vụ chế tạo bom hạt nhân và nhấn mạnh rằng họ đang tìm kiếm một vũ khí có khả năng răn đe.
Ông Hecker cùng 2 chuyên gia về công nghệ hạt nhân khác đã viết trong bài phân tích trên tạp chí Nhà quan sát Triều Tiên năm 2016 rằng, Triều Tiên trong những năm trước đó vẫn phát triển công nghệ cần thiết để khởi động lò phản ứng hạt nhân.
Hình ảnh vệ tinh chụp năm 2013 cho thấy, có một mương dẫn nước mới xuất hiện và nối lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon tới con sông Kuryong. Các nhà phân tích cho rằng, mương dẫn nước này có thể là một phần trong hệ thống làm lạnh mới, thay thế cho tháp làm lạnh đã bị dỡ bỏ trước đó. Đây là đường dẫn nước nóng từ lò phản ứng hạt nhân đổ ra sông Kuryong.
Hình ảnh vệ tinh mới hôm 17/1/2018 vừa cho thấy rõ ràng hơn, dòng nước nóng từ lò phản ứng được đưa ra ngoài qua một đường ống thải. Bằng chứng này khiến giới chuyên gia kết luận rằng lò phản ứng mới tại Yongbyon đã đi vào hoạt động.
Nghi vấn Triều Tiên đang vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân tại cơ sở Yongbyon khiến cho các cuộc đàm phán hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên trở nên phức tạp.
Đến nay, các nhà phân tích độc lập khẳng định sẽ tiếp tục theo sát mọi động thái của Triều Tiên Yongbyon, để biết lò phản ứng hạt nhân mới tại đây có đi vào hoạt động đầy đủ và liệu nó có phục vụ cho việc sản xuất nhiên liệu cho các loạt vũ khí hạt nhân của Triều Tiên?
Ông Kim thăm Trung Quốc, Triều Tiên vận hành lò phản ứng hạt nhân mới
Lịch sử đàm phán hạt nhân Triều Tiên
Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đổ bể năm 2008 và từ đó đến nay các bên chưa trở lại bàn đối thoại.
Dấu mốc 2008 là việc Triều Tiên phá hủy tháp làm mát của cơ sở hạt nhân Yongbyon như một bước tiến tạo lòng tin và đổi lại là viện trợ về nhiên liệu và bình thường hoá quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc họp tháng 4/2009 đã quyết định trừng phạt khi cho rằng Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa ngày 5/4 trước đó.
Trong khi, Triều Tiên một mực khẳng định đây là vụ phóng vệ tinh. Phản ứng với trừng phạt của Hội đồng Bảo an, Triều Tiên đã tuyên bố rút khỏi cuộc hội đàm 6 bên và tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Triều Tiên cũng trục xuất tất cả thanh tra viên hạt nhân của các nước.
Đã ba đời Tổng thống Mỹ tham gia đàm phán hạt nhân Triều Tiên, và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới sẽ là cuộc gặp lịch sử chưa từng có cho vấn đề hạt nhân, cũng như giải quyết mối căng thẳng lên tới đỉnh điểm giữa 2 bên trong năm qua.
Cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều trước đây từng diễn ra tháng 10/2002 tại Bình Nhưỡng, khi Mỹ có những bằng chứng cho thấy Triều Tiên có thể đang âm thầm phát triển chương trình làm giàu urani.
Các quan chức của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Bush khi đó đã giáp mặt với giới chức Triều Tiên. Trong cuộc gặp này, Mỹ tuyên bố Triều Tiên đã vi phạm Khung Thỏa thuận và dừng các chuyến tàu vận chuyển nhiên liệu cho Bình Nhưỡng.
Tháng 4/2003, cơ chế đàm phán 6 bên mở ra, với mục tiêu của Mỹ là “dỡ bỏ hoàn toàn” chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sau 2 năm với tiến triển ngoại giao ít ỏi, tháng 9/2005, đàm phán 6 bên đưa ra “Tuyên bố chung”, trong đó Triều Tiên cam kết từ bỏ các chương trình hạt nhân và quay lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân để đổi lấy hỗ trợ lương thực và nhiên liệu từ các thành viên của cơ chế 6 bên.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán xấu đi khi Triều Tiên bị hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và việc Bộ Tư pháp Mỹ gây sức ép với các thể chế tài chính ở nước ngoài để họ không làm ăn với Triều Tiên.
Tháng 7/2006, Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa tầm xa Taepodong-2, dẫn tới việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết lên án và kêu gọi Triều Tiên lập tức trở lại đàm phán 6 bên.
Tháng 10/2006, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên. Không thể ngồi ngồi yên, Hội đồng Bảo an tiếp tục ra Nghị quyết 1718, với hàng loạt biện pháp cấm vận quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.
Căng thẳng leo thang buộc tiến trình ngoại giao về chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhanh chóng được khôi phục, theo đó, đàm phán 6 bên được nối lại vào giữa tháng 12/2006.
Tháng 2/2007, đàm phán hạt nhân Triều Tiên đạt được thỏa thuận “Những hành động bước đầu để triển khai Tuyên bố chung”, trong đó kêu gọi Triều Tiên đóng cửa cơ sở Yongbyon. Đổi lại, Mỹ sẽ khởi động quá trình đưa Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và ngừng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Đàm phán tiếp tục đến tháng 4/2008 và đến tháng 10 Triều Tiên được đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, Triều Tiên sau đó bác bỏ tất cả các biện pháp thẩm tra toàn diện, trục xuất các quan sát viên quốc tế khỏi cơ sở Yongbyon. Kết quả là tiến trình đàm phán 6 bên sụp đổ.
Đến thời chính quyền Tổng thống Donal Trump hiện nay, Mỹ vẫn khẳng định các cuộc thanh sát hạt nhân sẽ phải được tiến hành trên toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, bởi Mỹ nghi ngờ vẫn còn những cơ sở làm giàu urani không được công bố ngoài Yongbyon.
Trong khi đó, thông tin về lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên là đám mây đen đe dọa phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Vấn đề lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên có thể sẽ là tiêu điểm chính trong cuộc đối thoại Trump-Kim./.
Trung Quốc xác nhận Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Bắc Kinh