Sự cố khiến Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc năm 1983
VOV.VN - Một loạt báo cáo về tình trạng gây nhiễu GPS thời gian gần đây dẫn đến hàng nghìn chuyến bay bị gián đoạn, gây lo ngại về an toàn hàng không. Các chuyên gia quân sự cho rằng, điều này cũng có thể đã từng dẫn tới vụ Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc năm 1983.
Theo truyền thông Anh, kể từ tháng 8/2023, các hãng hàng không nước này đã báo cáo gần 4.000 sự cố GPS. Quy mô của vấn đề càng trở nên rõ ràng hơn khi nó xảy ra trên phạm vi rộng ở châu Âu. Chỉ riêng trên Biển Baltic, khoảng 46.000 máy bay đã báo cáo sự cố GPS trong cùng khoảng thời gian trên.
Mức độ nghiêm trọng của vấn đề được nhấn mạnh vào tháng 3/2024 khi chính phủ Anh xác nhận, máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps đã bị nhiễu tín hiệu GPS khi bay gần Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga ở vùng Baltic.
Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) của Anh khi đó đã tìm cách hạ thấp mối lo ngại, nhấn mạnh rằng việc gây nhiễu GPS thường liên quan đến hoạt động quân sự và không nhất thiết nhắm trực tiếp vào các máy bay thương mại.
Trong khi đó, Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu (EASA) mô tả việc gây nhiễu và giả mạo tín hiệu GPS là “các cuộc tấn công”.
Tuy nhiên, sự cố nhiễu GPS này không chỉ xảy ra ở châu Âu. Những tháng gần, tình trạng này cũng được ghi nhận ở nhiều khu vực khác, đặc biệt là những nơi có căng thẳng địa chính trị.
Cuối tháng 8/2023, các phi công bay qua bầu trời Trung Đông đã báo cáo các trường hợp hệ thống định vị trên máy bay của họ ảnh hưởng vì tín hiệu GPS giả, đôi khi dẫn đến sai lệch hàng trăm km.
Các sự cố tương tự được báo cáo xảy ra trong hành lang không phận Iraq giáp biên giới với Iran. Các chuyến bay giữa châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh thường đi qua khu vực này.
Sau khi xung đột ở Gaza bùng phát vào tháng 10/2023, báo cáo về tình trạng giả mạo GPS đã gia tăng khắp khu vực, trong đó các chuyên gia cho rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể đang cố gắng chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ máy bay không người lái và tên lửa từ nhóm dân quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn.
Nguy cơ từ việc giả mạo tín hiệu GPS
Việc gây nhiễu tín hiệu GPS thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở các khu vực xung đột và gần các cơ sở quân sự nhạy cảm, nơi nó đóng vai trò phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa tiềm năng.
Mặc dù việc gây nhiễu tín hiệu GPS khá phổ biến, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng việc giả mạo GPS, tức là tín hiệu sai được phát đi để đánh lừa hệ thống định vị máy bay, là một mối đe dọa nguy hiểm hơn nhiều.
Các sự cố tín hiệu GPS giả khiến hệ thống điện tử của máy bay tính toán vị trí không chính xác và đưa ra hướng dẫn sai lầm. Không giống như gây nhiễu, trong đó tín hiệu chỉ bị gián đoạn, việc giả mạo chủ động đánh lừa thiết bị định vị, có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong một bài viết trên Eurasian Times, cơ trưởng đã nghỉ hưu của Ấn Độ, TP Srivastava, nhấn mạnh sự tinh vi của các cuộc tấn công giả mạo tín hiệu GPS, lưu ý rằng chúng có thể gây ra những lỗi nhỏ trong hệ thống định vị mà ban đầu phi công có thể không chú ý.
Những tín hiệu giả này có thể khiến máy bay chệch hướng hoặc cung cấp dữ liệu vị trí không chính xác, gây nguy hiểm cho cả máy bay và người ngồi trên máy bay. Ông cho rằng, một cuộc tấn công giả mạo GPS nhằm vào máy bay không người lái của Mỹ đã khiến nó hạ cánh xuống một sân bay của Iran vào năm 2011.
Theo ông Srivastava, những sự cố như vậy có thể khiến một chiếc máy bay vô tình đi lạc vào lãnh thổ nước khác, bao gồm các khu vực được coi là nhạy cảm, chẳng hạn như cơ sở quân sự hoặc hạt nhân. Trong những tình huống như vậy, quốc gia bị ảnh hưởng có thể cảm thấy buộc phải thực hiện các biện pháp phòng thủ, có khả năng dẫn đến việc đánh chặn hoặc thậm chí bắn hạ máy bay xâm nhập.
Vụ Su-15 Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc
Trong lịch sử có một vài sự cố, chẳng hạn như vụ Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc năm 1983, đã cho thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với máy bay thương mại khi đi lạc vào khu vực nhạy cảm của nước khác. Mặc dù việc giả mạo GPS không phải là một nguyên nhân trong trường hợp cụ thể này, nhưng các vấn đề về thiết bị định vị đóng một vai trò đáng kể trong việc chiếc máy bay đi chệch khỏi lộ trình dự định của nó.
Vào ngày 31/8/1983, hành khách lên chuyến bay mang số hiệu 007 của Korean Air Lines đi Seoul, Hàn Quốc khởi hành từ Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York. Sau khi dừng ở Anchorage, Alaska để thay phi hành đoàn và tiếp nhiên liệu, máy bay đã gặp sự cố về thiết bị vô tuyến và định vị trong chặng hành trình Bắc Mỹ.
Khi cất cánh từ Anchorage, Cơ quan Kiểm soát Không lưu đã hướng dẫn chiếc Boeing-747 đi theo một lộ trình cụ thể qua Bethel, Alaska và đi dọc theo tuyến đường cực bắc ở Bắc Thái Bình Dương giữa Alaska và Nhật Bản. Tuyến đường này sẽ giữ nó ở bên ngoài không phận Liên Xô.
Tuy nhiên, chiếc Boeing-747 của Korean Air Lines đã đi chệch khỏi lộ trình dự định đến 500km và lạc vào không phận Liên Xô ở bán đảo Kamchatka và Sakhalin, nơi Moscow đặt các căn cứ quân sự và những công trình bí mật khác.
4 máy bay chiến đấu MiG-23, đã phải xuất kích để chặn “mục tiêu lạ” mà họ cho là một máy bay không xác định. Chiếc máy bay Boeing-747 đã ra khỏi không phận Liên Xô ở bán đảo Kamchatka và đi vào không phận quốc tế trên Biển Okhotsk trước khi máy bay MiG-23 đánh chặn.
Tuy nhiên, việc nó rời khỏi không phận liên Xô khiến giới chức nước này kết luận rằng nó là máy bay nước ngoài và là một mục tiêu quân sự.
Thật tình cờ, chiếc Boeing-747 đi vào không phận Liên Xô cùng lúc với một chiếc máy bay do thám Boeing RC-135 của hải quân Mỹ. Có lúc, điểm đánh dấu hai máy bay trên radar quân sự Liên Xô đã nằm chồng lên nhau.
Sau đó, khi chiếc Boeing-747 lại đi vào không phận Liên Xô ở đảo Sakhalin, 3 máy bay Su-15 đã được điều lên để chặn. Lúc này Moscow vẫn cho rằng đây là máy bay quân sự và quyết định bắn hạ.
Các phi công Liên Xô cho hay không thể nào nhận diện được máy bay ở khoảng cách vài km vì trời quá tối. Họ cũng không thể tin, một chiếc máy bay tắt cả đèn báo và tín hiệu liên lạc, di chuyển qua vùng trời cấm phía trên Kamchatka lại là máy bay chở khách.
Máy bay chiến đấu Su-15 dẫn đầu đã phóng hai tên lửa không đối không K-8 vào chiếc Boeing-747. Chiếc máy bay tiếp tục bay thêm 19km nữa trước khi rơi xuống biển ngoài khơi đảo Sakhalin khiến toàn bộ 269 người thiệt mạng bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn.