Tìm hiểu siêu máy bay B-2 Mỹ vừa mang đến Hàn Quốc
(VOV) - Có giá khoảng 2,2 tỷ USD, B-2 là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất và hiện nay chỉ có 20 chiếc đang hoạt động.
B-2 Spirit, do hãng Northrop Grumman sản xuất, là loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình trang bị bom thông thường và bom hạt nhân. Chiếc máy bay ném bom này là một mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom của Hoa Kỳ.
Máy bay quân sự đắt tiền nhất thế giới
B-2 là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất, ước tính chi phí cho mỗi chiếc từ khoảng 1,157 tỷ tới 2,2 tỷ USD. Kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 của nó được áp dụng nhằm giúp máy bay có thể thâm nhập qua các hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay chiến đấu trước đây không thể vượt qua.
Số lượng đặt hàng dự tính 135 chiếc ban đầu đã được giảm xuống còn 75 vào cuối thập niên 1980. Trong Thông điệp liên bang năm 1992, Tổng thống George H.W. Bush đã thông báo tổng số B-2 chế tạo sẽ hạn chế ở mức 20 chiếc (sau này đã tăng lên 21 nhờ việc tân trang lại một chiếc thử nghiệm). Hiện tại có 20 chiếc phục vụ trong lực lượng Không quân Hoa Kỳ sau khi một chiếc bị rơi.
Cùng với loại Pháo đài bay B-52 và B-1 Lancer, quân đội Mỹ cho rằng B-2 mang lại sự linh hoạt vốn có của những máy bay ném bom có người lái. Khả năng bị nhận dạng thấp, hay các tính năng "tàng hình," cho phép nó thâm nhập qua những hàng rào bảo vệ tinh vi nhất của kẻ thù và tấn công các mục tiêu được bảo vệ kỹ càng nhất.
Sự pha trộn giữa kỹ thuật tàng hình và hình dáng khí động học cũng như khả năng chất tải lớn mang lại cho B-2 những ưu thế to lớn so với các loại máy bay ném bom trước đó. Tầm hoạt động của nó đạt xấp xỉ 6.000 hải lý (11.100 km) mà không cần tái nạp nhiên liệu, tính năng tàng hình khiến cho B-2 có khả năng hoạt động tự do hơn ở những độ cao lớn, nhờ thế tăng tầm hoạt động và có vùng quan sát tốt hơn cho các cảm biến gắn trên nó.
Với Hệ thống hỗ trợ mục tiêu GPS (GATS) cùng với những quả bom hỗ trợ GPS như Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM), nó có thể sử dụng radar APQ-181 để sửa các lỗi GPS về các mục tiêu và có độ chính xác cao hơn các loại vũ khí điều khiển laser với những quả bom trọng lực "câm" và một hệ thống hỗ trợ dẫn đường GPS "thông minh" gắn ở đuôi. Nó có thể ném bom 16 mục tiêu một lúc.
Khả năng tàng hình của B-2 có được nhờ sự phối hợp giữa việc giảm thiểu tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và radar phát ra, khiến đối phương rất khó phát hiện, theo dõi và tiêu diệt. Nhiều đặc tính tàng hình vẫn được xếp vào hàng tối mật; tuy nhiên các vật liệu composite chế tạo B-2, đặc biệt và các lớp phủ và thiết kế kiểu cánh bay cũng góp phần tăng khả năng tàng hình của nó.
B-2 có tổ lái hai người; một phi công ngồi bên trái và một chỉ huy ở bên phải, so với đội bay bốn người của B-1B và năm người của B-52.
Lịch sử tham chiến
Là máy bay thả bom đa năng, B-2 có khả năng chứa 80 quả bom dẫn đường JDAM GPS nặng 230 kg hoặc 16 quả bom nguyên tử B83 nặng 1,1 tấn.
B-2 bắt đầu tham chiến trong Chiến tranh Kosovo năm 1999. Chiếc B-2 là máy bay đầu tiên sử dụng Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM) trong chiến tranh. Từ đó, chiếc máy bay này đã hoạt động tại Afghanistan trong "Chiến dịch Tự do vĩnh viễn" và tại Iraq trong "Chiến dịch Tự do Iraq".
Sau khi ném bom các mục tiêu tại Afghanistan, chiếc máy bay hạ cánh tại Diego Garcia, tái nạp nhiên liệu và thay thế đội bay cho lần xuất kích tiếp theo. Trong chiến dịch tại Iraq nó còn phải bay xa hơn bởi B-2 đóng tại căn cứ Diego Garcia.
Những phi vụ sau này ở Iraq diễn ra từ Căn cứ không quân Whiteman ở Missouri. Điều này khiến nhiều phi vụ kéo dài hơn 30 giờ và một phi vụ đã kéo dài hơn 50 giờ. Chiếc B-2 có tính năng tự động cao, không như những máy bay chiến đấu một người lái, một thành viên đội bay có thể ngủ, sử dụng toilet hay chuẩn bị bữa ăn nóng trong khi người kia điều khiển máy bay.
B-2 cũng đã được Mỹ dùng trong cuộc chiến Lybia cùng Liên quân NATO ủng hộ lực lượng nổi dậy Lybia năm 2011. Mới đây nhất, ngày 28/3, Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit tham gia vào cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Hai chiếc B-2 Spirit đã bay thẳng từ căn cứ không quân Whiteman tại bang Missouri qua quãng đường hơn 10.460 km đến quốc gia Đông Á này./.
B-2 có thể bay 6.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu, và bay hơn 10.000 hải lý với chỉ một lần tiếp nhiên liệu (Ảnh: US Air Force) |
B-2 có thể xuất phát từ các căn cứ của Mỹ và tham chiến ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng vài giờ (Ảnh: airforce-technology.com) |
B-2 được coi là máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất từng được chế tạo (airforce-technology.com) |
Là máy bay thả bom đa năng, B-2 có khả năng chứa 80 quả bom dẫn đường JDAM GPS nặng 230 kg hoặc 16 quả bom nguyên tử B83 nặng 1,1 tấn (Ảnh: airforce-technology.com) |
Thiết kế khí động học của B-2 kết hợp tính toán động lực học dòng chảy (CFD) (Ảnh: airforce-technology.com) |
Buồng lái chiếc B-2 được trang bị hệ thống thiết bị đo đạc bay điện tử (EFIS) |
Một chiếc B-2 đang cất cánh tại căn cứ không quân Whiteman (Ảnh: US Air Force) |
B-2 Spirit sải cánh bay trên bầu trời thành phố St Louis(Ảnh: US Air Force) |
Một chiếc B-2 tham dự triển lãm hàng không Edwards AFB Airshow năm 2005 (Ảnh: richard-seaman.com) |
B-2 Spirit nhìn từ dưới lên (Ảnh: richard-seaman.com) |
Một chiếc B-2 bay cùng với B-52. B-2 chỉ có thể mang được 40.000 pounds (18 tấn) vũ khí, trong khi đó B-52 có thể mang 70.000 pounds (32 tấn) vũ khí (richard-seaman.com). |
Hình ảnh B-2 được tiếp nhiên liệu trên không (Ảnh: supervideo.com) |
B-2 Spirit được hộ tổng bởi 2 máy bay chiến đấu F-22 Raptor (Ảnh: supervideo.com) |
Một chiếc B-2 Spirit tham gia cuộc tập trận Lá chắn Valiant 2006 của quân đội Mỹ (Ảnh: weapons.technology.youngester.com) |
Lần xuất hiện gần đây nhất của B-2 Spirit là khi 2 chiếc máy bay ném bom tàng hình chiến lược này được cử đến Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Trong ảnh là một chiếc B-2 Spirit bay qua căn cứ Osan của Mỹ ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, Hàn Quốc ngày 28/3 (Ảnh: AP) |