Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm của EU bàn về “tự chủ quốc phòng”
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm qua nhất trí sẽ hành động nhiều hơn nữa để tăng chi tiêu quốc phòng và nâng cao năng lực quân sự. Quyết định đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi khối 27 nước thành viên giảm phụ thuộc vào Mỹ và tự chủ về quốc phòng.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm của Liên minh châu Âu (EU) đã bị phủ bóng bởi những cảnh báo áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù không đạt được thoả thuận cụ thể song Uỷ ban châu Âu đã đồng ý tìm kiếm sự linh hoạt trong các quy tắc tài chính công để việc chi tiêu quốc phòng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vẫn chưa trả lời được câu hỏi về cách chi trả cho các khoản chi tiêu quốc phòng “khổng lồ” như dự kiến. Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa thừa nhận, rất nhiều việc đã được thực hiện nhưng khối 27 nước thành viên vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa và quan trọng là phải làm cùng nhau.
Trện thực tế, trong những năm gần đây, các nước EU đã tăng cường chi tiêu quốc phòng để ứng phó với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra năm 2022 và những lời kêu gọi giảm phụ thuộc vào Mỹ về quốc phòng. Yêu cầu này càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh sự không chắc chắn về cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Những gì đang diễn ra ở Ukraine, cũng như các lựa chọn và tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy người châu Âu đoàn kết hơn, tích cực hơn trong ứng phó với vấn đề an ninh tập thể. Nói cách khác, không thể có phản ứng nào đối với an ninh của châu Âu tốt hơn là phản ứng của người châu Âu. Chúng ta phải tiến xa hơn... để mang lại sự thức tỉnh chiến lược của châu Âu".
Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng tham gia các cuộc đàm phán tại Brussels. Theo ông Mark Rutte, các nước NATO sẽ đưa ra cam kết chi tiêu quốc phòng mới vào cuối năm nay: "Quan điểm của tôi là chúng ta phải tăng cường chi tiêu và sản xuất quốc phòng. Mức chi tiêu quốc phòng cụ thể sẽ được quyết định vào cuối năm nay. Hiện chúng tôi đang đánh giá năng lực của mỗi nước, cũng như vị trí chúng ta đang ở và nên ở. Dựa trên đó, các mục tiêu sẽ được xác định và chúng ta sẽ quyết định về cam kết chi tiêu quốc phòng mới. Nhưng nó sẽ cao hơn đáng kể so với mức 2% GDP hiện nay và tôi có thể đảm bảo với các bạn về điều đó".
Năm ngoái, các nước EU đã chi trung bình 1,9% GDP cho quốc phòng, tương đương khoảng 326 tỷ euro (334,5 tỷ đô la) - tăng 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, theo ước tính của Uỷ ban châu Âu ước tính, khối này có thể cần phải chi thêm 500 tỷ euro trong thập kỷ tới để lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong hệ thống phòng thủ.
Tổng thống Donald Trump nhiều lần nói rằng, các thành viên EU của NATO nên chi 5% GDP cho quốc phòng - một con số mà không thành viên nào của liên minh bao gồm cả Mỹ hiện nay đạt được. Theo cả Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, EU có một số lựa chọn tài trợ quốc phòng tiềm năng, bao gồm chi tiêu quốc gia, vai trò mở rộng của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu của EU và vốn tư nhân. Một lựa chọn cũng được nhắc tới nhiều, nhưng có thể nhạy cảm về mặt chính trị là khả năng EU phát hành trái phiếu chung để chi trả cho chi tiêu quốc phòng. Dù tránh bình luận công khai về ý tưởng này, song các nhà ngoại giao EU cho biết, việc vay tiền để tài trợ cho các dự án quân sự có thể là một giải pháp mang tính thỏa hiệp.