Hội nghị Thượng đỉnh EU- châu Phi: Chưa đủ giải quyết vấn nạn nhập cư
VOV.VN- Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu và châu Phi bàn về vấn đề người di cư đã diễn ra trong hai ngày 11-12/11 tại Malta.
50 nhà lãnh đạo từ hai châu lục đã có mặt tại sự kiện này trong một nỗ lực mới nhất nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Lãnh đạo châu Âu và châu Phi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh. Ảnh Reuters |
Được chú ý nhất tại cuộc họp là đề xuất cung cấp 3,6 tỷ euro tiền viện trợ mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhằm thuyết phục các lãnh đạo châu Phi tiếp nhận trở lại những người di cư vì lý do kinh tế. Tuy nhiên phía châu Phi hiện vẫn đang lưỡng lự trước đề xuất này.
Châu Âu đề xuất hỗ trợ
Đề xuất đáng chú ý nhất là châu Âu sẽ cung cấp cho các nước châu Phi một khoản viện trợ 1,8 tỷ euro, được gọi là “Quỹ cho châu Phi”. Khoản tiền này có thể sẽ nhiều gấp đôi, lên tới 3,6 tỷ euro nếu Ủy ban châu Âu kêu gọi được thêm sự đóng góp tài chính của 28 nước thành viên.
Khoản tiền này sẽ được dành để hỗ trợ các nước châu Phi, đặc biệt các nước Đông và Bắc Phi, trong việc cải thiện cuộc sống của người dân và tăng cường các biện pháp an ninh để kiểm soát tốt vấn đề di cư.
Ngoài ra, giữa các quốc gia của hai châu lục còn có các thỏa thuận khác, ví dụ như việc mở rộng kênh nhập cư hợp pháp cho công dân và lao động châu Phi sang châu Âu bằng cách tăng gấp đôi hạn ngạch visa cho các nước châu Phi.
Châu Phi vẫn cho là “quá khiêm tốn”
Phải nói rằng khoản tiền 1,8 tỷ euro này là rất khiêm tốn so với nhu cầu cần được trợ giúp của các nước châu Phi. Đặc biệt, phần lớn trong số tiền này sẽ được chi cho các dự án tăng cường kiểm soát an ninh hơn là phát triển kinh tế nên đối với các nước châu Phi, khoản hỗ trợ này là không đủ.
Các nước châu Phi cũng rất bất bình với cách đối xử của châu Âu trong vấn đề tị nạn khi họ cho rằng châu Âu đã quá thiên vị trong việc xử lý vấn đề này.
Họ cho rằng bao năm qua vấn đề người tị nạn đi từ châu Phi luôn tồn tại nhức nhối nhưng châu Âu thờ ơ, không trợ giúp trong khi với người tị nạn Syria thì châu lục này lại rất mạnh tay xử lý.
Nhiều nước châu Phi cũng bất bình khi so sánh khoản viện trợ 1,8 tỷ euro với khoản 3 tỷ euro mà châu Âu dự định cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục nước này giữ người tị nạn Syria lại trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Giải pháp trước mắt
Như vậy là châu Âu đã lựa chọn giải pháp tái hòa nhập với người di cư châu Phi tại nơi họ đã ra đi.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp trước mắt. Trong năm 2014, có hơn 250.000 người nhập cư châu Phi bị các nước châu Âu quyết định trả về nước nhưng chỉ có 161.000 trong số này được nhận lại.
Châu Âu họp bàn với châu Phi mục đích là để đẩy lượng người này về nước nhiều hơn và khoản viện trợ 1,8 tỷ euro được xem là cái giá để trả cho châu Phi.
Gốc rễ của vấn đề là ở chuyện phát triển kinh tế. Châu Âu cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài cho các nước châu Phi phát triển kinh tế thì mới có thể ổn định được tình hình ở các quốc gia này, qua đó ngăn chặn làn sóng tị nạn trái phép sang châu Âu.
Một khi các vấn đề đói nghèo, chiến tranh, bất ổn… ở các nước châu Phi không được hỗ trợ giải quyết thì làn sóng tị nạn từ châu Phi đổ về châu Âu vẫn chưa thể sớm chấm dứt được.
Theo số liệu do Cơ quan Kiểm soát biên giới Liên minh châu Âu công bố hôm 10/11, có khoảng 1,2 triệu người di cư bất hợp pháp đã tới Liên minh châu Âu trong vòng 10 tháng đầu tiên của năm nay – một kỷ lục mà châu lục này không hề mong muốn.
Hội nghị thượng định Liên minh châu Âu – châu Phi vừa qua là một trong những nỗ lực mới nhất của các quốc gia châu Âu nhằm đối phó với thách thức chưa từng có này. Tuy nhiên, để tìm ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả là không đơn giản./.