Hội thảo “Khủng hoảng Ukraine và chính sách của Nga”
VOV.VN -Những ý kiến đóng góp của hội thảo sẽ giúp ích cho việc hoạch định chính sách của Nga trong quan hệ với Ukraine thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng Ukraine chưa thể sớm kết thúc với những diễn biến phức tạp đang tiếp tục diễn ra bên trong tòa nhà Quốc hội và bên ngoài đường phố ở Kiev cũng như ở các tỉnh, thành của Ukraine. Để có thêm những đánh giá khách quan về tình hình, bối cảnh cũng như triển vọng của mối quan hệ Nga với Ukraine, hôm qua (25/2), tại Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga diễn ra một hội nghị bàn tròn với chủ đề “Cuộc khủng hoảng Ukraine và chính sách của Nga”.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh Tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga cùng đại diện nhiều cơ quan, trung tâm nghiên cứu và đại học lớn của Nga tham dự Hội thảo |
Tham gia có khoảng 50 nhà nghiên của Viện Kinh tế và nhiều cơ quan, Trung tâm nghiên cứu, trường Đại học lớn của LB Nga.
Những vấn đề được đặt ra và cùng trao đổi, phân tích tại hội nghị bao gồm: “Những gì xảy ra ở Ukraine là bạo loạn hay cách mạng?”; “Vai trò của Phương Tây - Mỹ, Liên minh châu Âu trong việc làm phát sinh và tiến triển của cuộc khủng hoảng Ukraine”; “Trong trường hợp quan hệ Đông – Tây của Ukraine xấu đi thì chính sách của Nga cần phải thế nào?”; “Nước Nga có thể tác động đến cuộc bầu cử ở Ukraine không?”; “Chính sách của Nga sẽ phải thế nào trong trường hợp ban lãnh đạo mới của Ukraine có xu hướng sớm gia nhập EU và NATO?”; “Liệu có thể có sự hợp tác giữa Nga với Mỹ và EU để ổn định lại tình hình Ukraine không?”...
Đưa ra đánh giá, phân tích của mình xung quanh những chủ đề này, các đại biểu phân tích những khía cạnh lịch sử, truyền thống của Ukraine, của quan hệ Nga - Ukraine để từ đó gợi ý quan điểm của nước Nga cần phải như thế nào và chính sách của Nga trong giai đoạn mới của Ukraine nên xác định ra sao...
Phân tích về bài học rút ra từ biến cố này, nhà nghiên cứu Sergei Romanhenko nói: “Giờ là lúc chúng ta phải xem xét chính quyền cần hành động thế nào đối với những người đã kích động bạo lực ở Ukraine vừa qua. Và chúng ta cần tính đến những hành động của mình. Những gì xảy ra đã cho thấy một điều rằng, phải đánh giá những hành động của cá nhân chứ không chỉ căn cứ vào nhân tố tác động dẫn tới hậu họa đó”.
Bà Ksenhia Bezpalko, Giảng viên Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Nga cũng trao đổi về vấn đề của những tác động kinh tế mà Nga phải tính đến khi thiết lập mối quan hệ với Ukraine sau biến cố.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo |
Bà Bezpalko nói: “Điều phải tính đến là Hiệp ước Schengen. Sẽ rất khó khăn đối với những bạn hàng của Nga muốn rời khỏi Ukraine, khi sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Vấn đề về tài sản của những người đối lập mà phần lớn ở nước ngoài cũng phải được tính đến. Bên cạnh đó cũng phải tính đến sự cân bằng trong mọi lĩnh vực... Nói chung là vấn đề sẽ rất không đơn giản trong một tương lai gần để giải quyết các mối quan hệ Nga – Ukraine”.
Kết thúc hội thảo, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về ý nghĩa của diễn đàn, ông Boris Shmelev, Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Nga - Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm khoa học Nga nhấn mạnh: “Thảo luận bàn tròn nhằm đánh giá những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay, phân tích các nguyên tắc và các định hướng của chính sách đối ngoại Nga đối với Ukraine trên bình diện khoa học. Thông qua hội thảo này chúng tôi cùng phân tích, thảo luận về quan hệ Nga-Ukraine trên một bình diện quan hệ quốc tế rộng hơn, trong bối cảnh chính trị hiện nay, qua đó tham mưu cho chính quyền Nga lựa chọn chính sách đúng đắn đối với quốc gia láng giềng và vô cùng quan trọng của mình”.
Những ý kiến nêu tại hội thảo bàn tròn này sẽ được Viện Kinh tế tập hợp, trình lên lãnh đạo cấp cao của Nga để trên cơ sở đó Chính quyền Nga sẽ hoạch định những chính sách, những bước đi trong quan hệ với Ukraine thời gian tới./.