Vì sao Nga sẽ không can thiệp vào Ukraine nữa?
VOV.VN - Cây bút của New York Times bình phẩm về khả năng can thiệp của Nga và mối quan hệ giữa ông Putin và ông Yanukovych.
Tổng thống Viktor F. Yanukovych của Ukraine và các lãnh đạo phe đối lập đã ký một thỏa thuận vào hôm 21/2 chấm dứt các cuộc biểu tình gây chết người ở Kiev thông qua việc hứa hẹn một bản hiến pháp mới và bầu cử sớm.
Nhưng đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Kiev từ chối cùng ký vào văn bản này. Mặc dù Moscow đón chào việc chấm dứt bạo lực, nhưng về cơ bản họ coi thỏa thuận trên là mệnh lệnh của phe đối lập Ukraine do phương Tây hậu thuẫn. Phe đối lập đã tiếm quyền ở Kiev, và Moscow dè chừng về việc khủng hoảng sẽ không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Yanukovych (phải) trong một lần gặp gỡ (ảnh: ctvnews) |
Tác giả Dmitri Trenin viết, điều huyền bí bấy lâu nay về vai trò của Moscow trong khủng hoảng Ukraine là ông Yanukovych không khác gì “bù nhìn” cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế, ông Putin rất không hài lòng với người đồng cấp Ukraine. Đối với Tổng thống Nga Putin, ông Yanukovych không đáng tin cậy, mãi mãi dao động giữa Liên minh châu Âu và nước Nga. Nay thì ông Yanukovych đã “te tua”, trốn khỏi Kiev chạy về Kharkiv, một thành phố nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine.
>> Mời đọc: Vì sao Tổng thống Yanukovych bị phế truất?
Moscow thừa biết rằng giới chóp bu Ukraine, đa số từng ủng hộ Yanukovych, chủ yếu mang tư tưởng không ưa Nga lắm. Họ sợ những công ty to mạnh hơn ở nước láng giềng chèn ép mình.
Các cuộc biểu tình bùng phát khi ông Yanukovych từ chối ký vào bản thỏa thuận liên kết với EU, mà theo đó sẽ thiết lập một khu vực tự do thương mại.
Bất chấp những gì ông này tuyên bố, Điện Kremlin không buộc ông ta phải làm vậy.
Lý do thực sự của ông Yanukovych
Moscow đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc họ không muốn Kiev ký thỏa thuận trên khi Nga tung ra các chế tài trên thực tế đối với các sản phẩm của Ukraine vào 2013. Tuy nhiên rốt cục Tổng thống Yanukovych đã đi theo những tính toán riêng của mình hơn là theo những cảnh báo hay lời khuyên của ông Putin.
Lý do cơ bản mà Yanukovych khước từ việc ký kết nói trên là do ông ta lo sợ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử 2015 nếu như ông đặt bút ký. Ở một chừng mực nào đó, ông nhận thức rằng thỏa thuận đó sẽ không mang lại bất cứ ủng hộ tài chính nào từ Liên minh châu Âu và ông cũng không thấy cách nào để bù lại sự sụt giảm tất yếu trong thương mại với Nga hay để giảm thiểu cú sốc đối với ngành công nghiệp nặng lạc hậu của Ukraine.
Trong các tháng đối đầu ở Kiev, vai trò thực sự của Nga khiêm tốn hơn rất nhiều so với những gì mà truyền thông quốc tế và tin đồn vẽ ra ở Kiev. Đại sứ Nga ở Ukraine, Mikhail Zurabov, không xuất hiện trước công chúng. Điện Kremlin lệnh cho tất cả các đại biểu Duma tránh xa Ukraine. Dmitry Rogozin, Phó Thủ tướng và cựu Đại sứ Nga tại NATO nổi tiếng về công kích trực diện phương Tây, nhìn chung vẫn yên lặng về tình hình Ukraine.
Quan chức Nga duy nhất liên tục thể hiện sự quan tâm đến Ukraine là Sergey Glazyev, cố vấn của ông Putin về vấn đề hội nhập lục địa Á-Âu. Ông này phát biểu tại các hội thảo và viết bài về cái giá cao mà Ukraine phải trả nếu quay đầu sang Liên minh châu Âu.
Ông Putin đã tiếp ông Yanukovych vài lần, ở Sochi và Moscow. Hồi tháng 12/2013, Nga đề xuất cho Ukraine vay 15 tỷ USD – vượt xa khoản viện trợ có điều kiện mà EU nhỏ giọt thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng thời làm giảm 1/3 mức giá gas xuất sang Ukraine. Điều đáng nói, khoản hỗ trợ tài chính này của Nga không gắn với bất cứ điều kiện nào. Nó có mục đích kép là giúp Ukraine tránh khả năng vỡ nợ, đồng thời xây dựng thiện chí cho mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn giữa đôi bên trong tương lai.
Tuy nhiên đây là một đề xuất mạo hiểm nếu tính đến bối cảnh các bất ổn chính trị ở Kiev. Động thái ủng hộ của Moscow dựa trên niềm tin mà ông Putin đã biểu lộ, rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc. Điều này rõ ràng không đúng. Bản thân người Ukraine ít nhất vẫn chưa phải là một khối dân tộc. Phía tây Ukraine có tư tưởng chống Nga mạnh; phía đông và nam thì nói tiếng Nga, còn vùng Crimea chủ yếu là người sắc tộc Nga sinh sống. Ít có chính trị gia Ukraine nào thực sự thân Nga.
Đề xuất của Tổng thống Putin về việc Ukraine và Nga tích hợp kinh tế sâu hơn nữa thông qua liên minh thuế quan cũng không hấp dẫn lắm đối với nhiều người Ukraine. Ý tưởng này cũng nguy hại tiềm tàng đối với chính nước Nga. Vì theo kế hoạch đó, Moscow sẽ cần bơm thêm nhiều tiền nữa vào Ukraine và “nói hộ” nước này trong thể chế chung như Ủy ban Kinh tế Lục địa Á-Âu, mà lại ít có đảm bảo Ukraine sẽ không “ly khai” một lần nữa một khi Ukraine phục hồi lại nền tài chính của mình.
Mô hình liên bang?
“Cuộc Cách mạng tháng Hai” của Ukraine thậm chí có thể là điều tốt đẹp ngầm cho Moscow, vì nó giúp làm sáng tỏ cái ý tưởng Nga không thể thành cường quốc lớn mà lại thiếu Ukraine làm “đệ tử”. Moscow cần nâng cao sức khỏe, học vấn và điều kiện lao động cho nhân dân Nga.
Bất chấp nghi ngờ của một số người Ukraine, Moscow ít khả năng sẽ cố gắng làm cho Ukraine sụp đổ rồi sáp nhập khu vực phía nam và phía đông của nước này. Vì Nga rất ngán xảy ra một cuộc nội chiến ở nước láng giềng.
Theo cây bút Trenin, lựa chọn tốt nhất cho Moscow là án binh bất động, chờ đợi việc giảm bớt quyền lực trung ương ở Ukraine.
>> Đọc thêm: Ukraine bị giằng xé giữa Đông và Tây
Mặc dù ở Kiev và tây Ukraine, quá trình hình thành tổ chức nhà nước theo mô hình liên bang được xem là một bước dẫn tới sự chia tách Ukraine, điều này trên thực tế có thể giúp Ukraine thống nhất hơn. Với quyền tự trị về tài chính và văn hóa, các khu vực đa dạng của Ukraine sẽ sống dễ thở hơn và hình thành thế kiềm chế nhau. Thúc đẩy phân quyền ở Ukraine sẽ là một chiến lược dài hạn thựctế cho Nga./.