“Hong Kong cần kinh tế hơn là mở rộng dân chủ”
VOV.VN - Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh ngày 14/1 cho rằng: Hong Kong cần tăng trưởng kinh tế hơn là đòi hỏi phải dân chủ hơn nữa.
Đây cũng là ưu tiên trong các chính sách phát triển của nhà lãnh đạo Hong Kong trong năm 2015.
Trong bài phát biểu về chính sách của mình trong năm 2015 tại Hong Kong, ông Lương nói rằng: Hong Kong sẽ bất ổn nếu đáp ứng đòi hỏi phổ thông đầu phiếu. Hong Kong vẫn cần phải cảnh giác với những yếu tố gây bất ổn.
Trong bài phát biểu của mình ông Lương cho rằng, về kinh tế, Hong Kong là một phần của Trung Quốc, tăng trưởng của Hong Kong ngày nay một phần là nhờ những ưu đãi từ chính quyền đại lục, khác hẳn với những thành phố khác ở Trung Quốc.
Ông Lương cũng chỉ ra, kinh tế Hong Kong vẫn tăng trưởng bất chấp khó khăn kinh tế thế giới, vấn đề việc làm cũng gia tăng những năm qua. Ông kêu gọi sự thận trọng khi người dân chỉ nhìn vào những khuyết điểm mà bỏ qua thành tựu; đồng thời ông Lương Chấn Anh cam kết sẽ giữ vững đà tăng trưởng Hong Kong cũng như cải thiện mức sống của người dân.
Âm ỉ yêu cầu cải cách dân chủ
Tháng 9/2014, mở màn cho phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong. Người dân xuống đường biểu tình kêu gọi thay đổi cuộc bầu cử năm 2017. Tại cuộc bầu cử này người dân Hong Kong bỏ phiếu để chọn ra lãnh đạo mới vào năm 2017, nhưng các ứng viên ra ứng cử là do một ủy ban của chính quyền trung ương lựa chọn.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc nói rằng cuộc bầu cử này hoàn toàn tự do song thực tế chỉ có từ 2-3 ứng cử viên, do Bắc Kinh chọn ra để người dân bỏ phiếu.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh cho rằng nếu chính quyền đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình đòi dân chủ thì người nghèo sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử lãnh đạo mới.
Người dân Hong Kong nhiều lần từng kêu gọi ông Lương Chấn Anh từ chức song không được đáp ứng.
Trọng tâm bài phát biểu hôm nay của ông Lương Chấn Anh đề cập đến sự lựa chọn của người dân Hong Kong “phổ thông đầu phiếu hay ổn định phát triển kinh tế”.
“Tuy nhiên, phong trào đòi dân chủ cũng phải phù hợp với luật pháp nếu không sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ cho Hong Kong”.
Theo luật sư Raymond Chan và Albert Chan những vấn đề về lao động việc làm cho người trẻ tuổi chưa được giải quyết thấu đáo, thu nhập bình quân đầu người tăng không đáng kể, từ thời điểm Hong Kong về Trung Quốc năm 1997; và chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn khiến giới trẻ Hong Kong bất mãn với chính quyền Hong Kong cũng như sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Luật sư Albert cho rằng: “Ông không hy vọng gì từ những tuyên bố chấn hưng kinh tế Hong Kong của ông Lương Chấn Anh. Cái mà người dân Hong Kong cần là ông Lương Chấn Anh hãy thông báo về thực trạng và nguyên nhân bất ổn hiện nay lên lên chính quyền Trung ương Trung Quốc để có giải pháp thực sự”./.