Hungary đề nghị EU giải quyết việc Ukraine chặn nguồn dầu từ Nga
VOV.VN - Phát biểu với truyền thông, Bộ trưởng ngoại giao Hungary khẳng định, Ủy ban châu Âu chưa có động thái liên quan đến việc Ukraine cấm công ty Lukoil của Nga vận chuyển dầu đến Hungary và Slovakia.
Ngày 21/8, Bộ trưởng ngoại giao Hungary cho biết các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo nguồn cung dầu thô dài hạn cho nước này đang ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên Ủy ban châu Âu không có hành động chống lại các động thái gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng cho các nước thành viên Liên minh châu Âu của Ukraine.
Phát biểu với truyền thông, Bộ trưởng ngoại giao Hungary khẳng định Ủy ban châu Âu chưa có động thái liên quan đến việc Ukraine cấm công ty Lukoil của Nga vận chuyển dầu đến Hungary và Slovakia. Ông kêu gọi Ủy ban châu Âu nên hành động sớm vì động thái của Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung dầu của Hungary.
Ông cũng nhắc lại các thỏa thuận liên kết giữa Liên minh châu Âu và Ukraine trong đó có đề cập đến việc không được cản trở vận chuyển năng lượng đến các thành viên EU. Bộ trưởng ngoại giao Hungary cho rằng Ukraine đã vi phạm các thỏa thuận nhưng chưa có động thái giải quyết của Ủy ban châu Âu. Nước này đang tiến hành đàm phán với các bên để đảm bảo nguồn cung trong dài hạn.
Bộ trưởng Szijjarto cho biết, các nguồn cung được tiếp nhận qua đường ống TurkStream, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Serbia đã tạm thời không bị gián đoạn và ảnh hưởng bởi sự leo thang giao tranh giữa Nga và Ukraine.
Quan chức cấp cao Ukraine cho biết nước này sẽ không mở lại đường ống dẫn dầu của công ty Nga, Lukoil, sang châu Âu bất chấp 2 nước EU là Hungary, Slovakia gây áp lực thời gian qua. Thủ tướng nước này khẳng định không có ý định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty Lukoil của Nga vì lệnh cấm này không gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của các nước châu Âu.
Nguồn cung dầu tại châu Âu đã gián đoạn bởi ảnh hưởng từ thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Nhằm ủng hộ Ukraine, EU cấm các nước thành viên nhập khẩu dầu từ Nga như một biện pháp tiến tới giảm sự lệ thuộc và ngăn Moscow có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, EU cũng có lệnh miễn trừ cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. Các nước này vẫn được nhập dầu Nga nhưng phải sớm tìm các tuyến đường vận chuyển thay thế.